Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn BÀI 8. TRẢI NGHIỆM ĐỂ TRƯỞNG THÀNH. Nội dung bài Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


Nói và nghe

Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống

Trước ý kiến về một vấn đề đời sống được bàn luận (liên quan đến chủ đề Trải nghiệm để trưởng thành), người nghe có thể tán thành hay phản bác. Thói quen trao đổi như thế là rất cần thiết. Được tán thành, người nói sẽ thấy tự tin hơn vì những điều mình trình bày có sức thuyết phục. Gặp sự phản bác, người nói cần kiểm tra lại ý kiến của mình, biết điều chỉnh nếu thấy chưa đúng và biết cách bảo vệ nếu thấy xác đáng.


1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung nói

– Tóm lược bài viết đã thực hiện ở phần Viết thành đề cương.

– Nắm vững vấn đề đời sống cần bàn luận và nội dung trình bày.

– Dự kiến các tình huống người nghe có thể phản bác để có phương án tiếp thu và bảo vệ ý kiến.

– Ghi nhanh 1 số lí lẽ, bằng chứng cần sử dụng.

b. Tập luyện

Tập trình bày trước nhóm bạn hoặc người thân và lắng nghe các ý kiến nhận xét.


2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

a. Người nói

– Trình bày ý kiến về vấn đề.

– Bảo vệ ý kiến trước sự phản bác của người nghe.

b. Người nghe

– Tiếp nhận và suy nghĩ về ý kiến của người nói.

– Nêu ý kiến trao đổi.

Bài tham khảo:

Học lệch

Kính chào thầy cô và các bạn. Tôi tên là…………học sinh………trường……… Học sinh là những cánh chim non, những chủ nhân tương lai của đất nước và trong tương lai sẽ đưa đất nước phát triển đi lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì vậy mà ngay từ bây giờ việc học tập của học sinh đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn chưa xác định đúng đắn được mục đích và động cơ học tập nên vẫn còn tình trạng học lệch diễn ra.

Học lệch là việc học không cân đối, không đều các môn, chú trọng môn này mà xao lãng môn khác, chỉ chú tâm đến môn mình sẽ thi đại học hay là đi theo sở thích cá nhân chứ không phải học để có kiến thức toàn diện.

Biểu hiện của việc học lệch rất rõ ràng nhận ra trong suốt quá trình học tập và qua những lần kiểm tra, thi cử. Có những bạn chỉ thích học các môn tự nhiên vì chúng không đòi hỏi phải học thuộc quá nhiều và cũng không cần ghi chép đến mức mỏi tay mà chỉ cần có một bộ não tư duy sắc bén. Hay có những bạn lại thích học các môn xã hội vì nó không khô khan như công thức toán lí hóa và chỉ cần chăm chỉ là có thể học tốt. Bên cạnh đó còn có xu hướng chuyên tâm học Ngoại ngữ mà quên đi các môn học còn lại. Vì sao vậy? Vì trong bối cảnh đất nước đang trên đà giao lưu, hội nhập có khả năng ngoại ngữ tốt là một hành trang vô cùng hữu ích cho những ai muốn nâng cao vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội.

Có rất nhiều hậu quả của việc học lệch. Nhiều bạn mải học các môn tự nhiên mà không để ý đến các môn xã hội. Sau này các bạn trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, có những bạn tốt nghiệp bằng giỏi trường quản trị kinh doanh, nhưng do giao tiếp kém nên không xin được một công việc tốt. Hiện tượng học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Các bạn học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy.

Học đều các môn là cách hiệu quả nhất để trở thành một con người toàn diện. Các bạn có thể chú trọng hơn về các môn tự nhiên, nhưng cần dành thời gian xứng đáng cho các môn xã hội. Những giá trị văn hoá, tinh thần, những vẻ đẹp của quê hương đất nước sẽ được khám phá qua việc học tập các môn xã hội. Một tâm hồn phong phú sẽ giúp bạn học tốt hơn, nạp kiến thức tốt hơn, và những kiến thức xã hội đến lượt mình sẽ giúp các bạn học tốt hơn các môn tự nhiên.

Trong trường học, các môn xã hội cần được giảng dạy một cách trực quan, sinh động để tạo hứng thú cho học sinh. Các bạn học sinh nên coi những giờ học tập môn xã hội chính là những giờ thư giãn, giúp bạn lấy lại tinh thần để học những môn tự nhiên. Có như vậy các bạn sẽ không thấy nhàm chán.

Cuối cùng, thông qua bài trao đổi này hy vọng các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát hơn trong việc học tập để có kết quả cao hơn.

Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe chia sẻ của thầy cô và các bạn vấn đề khác mà mọi người quan tâm.


3. SAU KHI NÓI

Người nói và người nghe cùng trao đổi để đánh giá và rút kinh nghiệm về một số mặt:

– Vấn đề đời sống được bàn luận có hấp dẫn và thiết thực không?

– Cách trình bày và cách bảo vệ ý kiến của người nói đạt ở mức nào?

– Cách phản bác của người nghe có tác dụng tích cực với người nói không?

– Việc tổ chức thảo luận về các vấn đề đời sống, việc thể hiện rõ ràng thái độ tán thành hay phản bác những ý kiến đã phát biểu có ý nghĩa gì?


BÀI NÓI THAM KHẢO

Nói chuyện riêng trong giờ học

Xã hội ngày càng phát triển thì giáo dục lại càng được coi trọng và đặt lên vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hiện nay, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực xảy ra như nói tục chửi bậy, quay cóp bài, bạo lực học đường… thì hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học của học sinh đã và đang trở thành mối quan tâm “đau đầu, nhức óc” .

Nói chuyện riêng trong giờ học là việc trao đổi, bàn tán những câu chuyện ngoài lề trong cuộc sống, ngoài nội dung bài giảng mà học sinh đem lại bằng rất nhiều những hình thức khác nhau như truyền thư tay, trực tiếp nói bằng miệng hoặc thậm chí là tự độc thoại một mình… Đây là một hành vi xấu, tiêu cực xuất hiện trong môi trường học tập vì nó có tác hại rất lớn tới bản thân học sinh và người dạy, mở rộng ra là thành tích thi đua của tập thể nhà trường, tương lai của đất nước.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đó trước hết là do ý thức học tập của học sinh còn kém, chưa đề cao việc học nên chưa chú trọng vào việc nghe giảng, thu nạp kiến thức. Tâm lí của các em ở mỗi lứa tuổi khác nhau và càng lên lớp cao hơn thì cái tôi của các em càng lớn. Các em có đủ mọi chuyện bên ngoài xã hội tác động vào nên không làm chủ được suy nghĩ, hành động của bản thân và tìm mọi cách để có thể giải tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giờ học. Thậm chí còn do tính tò mò, tắt mắt, muốn hiểu chuyện người khác nên các em cảm thấy nội dung kiến thức bài học mới trên lớp không đủ hấp dẫn. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu đặt ra là năng lực bản thân người dạy có đủ để lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự tìm hiểu bài học của học sinh hay không?. Đồng thời, việc nói chuyện riêng của học sinh còn do chương trình học tập của các cấp học còn quá nặng về kiến thức hàn lâm, ít có sự tương tác với ứng dụng thực tiễn bên ngoài nên vô hình chung dẫn tới tình trạng chán học, không có hứng thú học là điều dễ hiểu.

Hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học là người học không theo kịp được kiến thức mà thầy cô giáo giảng, dẫn tới tình trạng không hiểu bài và không làm bài tập được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi cử, học tập của các em. Nếu để tình trạng đó tiếp diễn thì việc chán học, bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như nghiện game, cờ bạc, rượu chè… là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên, đất nước không những không thể phát triển mà bản thân họ còn trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Bản thân những cá nhân nói chuyện riêng ấy còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trong lớp và bài giảng của thầy cô giáo. Các bạn xung quanh thì không tập trung học được, các thầy cô giáo thì không thể hoàn thành tốt bài giảng tâm huyết muốn gửi tới học trò của mình. Vì thế, nói chuyện riêng là một hành vi ích kỉ, bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người…

Vậy, để có thể loại bỏ hiện tượng nói chuyện riêng này ra khỏi môi trường giáo dục, bản thân học sinh cần tự ý thức trong hoạt động giao tiếp của mình. Cần chia sẻ đúng lúc, đúng chỗ mà không ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Hơn nữa, người học cũng cần xác định cho mình phương pháp học tập hiệu quả, tập trung nghe giảng trên lớp, không làm việc và nói chuyện riêng trong giờ học. Đồng thời bản thân các thầy cô giáo cần nâng cao kĩ năng, phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với nhà trường đề ra các qui định để xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm. Các em học sinh cần tích cực phê phán những hành vi, thói quen tiêu cực trong môi trường giáo dục, trong đó có hành vi nói chuyện riêng.

Tóm lại, hành vi nói chuyện riêng trong giờ học là một việc làm xấu, không những không đem lại lợi ích cho bản thân mà còn gây mất trật tự, ảnh hưởng không tốt tới mọi người xung quanh. Vì thế, các em học sinh hãy góp sức loại bỏ một trong những thói xấu này để môi trường giáo dục trở nên tốt đẹp hơn.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (thể hiện ý kiến phản đối) sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 73 sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com