Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn Bài 8. NHÀ VĂN VÀ TRANG VIẾT. Nội dung bài Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


Nói và nghe

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (văn học trong đời sống hiện nay)

Từ xưa đến nay, văn học luôn song hành, gắn bó mật thiết với con người và đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi thời kì và ở mỗi người, cách nhìn nhận, suy nghĩ về vai trò của văn học lại có những điểm khác biệt. Hiện nay, nhiều người quan niệm văn học vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, giá trị của văn học đã bị giảm đi trước sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn. Hãy trình bày ý kiến của em về vấn đề này.

1. TRƯỚC KHI NÓI

– Xác định nội dung nói văn học trong đời sống hiện nay.

– Thu thập tài liệu và tìm ý:

– Xây dựng dàn ý bài nói: xác định các luận điểm, sử dụng lí lẽ, bằng chứng làm sáng tỏ vấn đề.

– Dự kiến các ý kiến phản biện của người nghe để chuẩn bị trao đổi, đối thoại.


2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

– Trình bày bài nói theo nội dung đã chuẩn bị:

+ Nêu vấn đề, khẳng định tầm quan trọng của văn học đối với đời sống và những thách thức đặt ra cho văn học trong bối cảnh hiện nay.

+ Trình bày các luận điểm triển khai vấn đề (có thể xác định luận điểm dựa vào vai trò, vị trí của văn học, những thách thức đối với văn học trong đời sống hiện nay….).

+ Dùng lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm.

– Điều chỉnh giọng nói, cử chỉ, nét mặt, ánh mắt,… phù hợp với nội dung nói; có thể kết hợp các phương tiện hỗ trợ (tranh, ảnh, đoạn phim ngắn….) để phần trình bày thêm sinh động.

Bài nói tham khảo:

Các bạn thân mến! Văn học đã luôn song hành với cuộc sống con người từ khi bắt đầu hình thành xã hội cho đến nay. Văn học xuất hiện trước chữ viết, có lịch sử rất dài và sâu rộng. Nó trải qua nhiều triều đại, nên bản thân cũng dần có nhiều thay đổi hơn để phù hợp với cuộc sống. Tuy nhiên, một điều chưa từng thay đổi, chính là ý nghĩa và vai trò quan trọng không thể phai mờ của văn học đối với cuộc sống.

Văn học là cách gọi chung của những sáng tác về văn chương như bài thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhật kí, trường ca… Chúng đều được sáng tác để thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của người viết với những điều họ trải qua, gặp gỡ. Chính vì vậy, mà người đọc tìm thấy được bản thân mình trong những tác phẩm đã đọc, từ đó xảy ra hiện tượng đồng điệu và thăng hoa cảm xúc. Ngoài ra, văn học còn giúp chúng ta nhìn về quá khứ, để gặp gỡ cuộc sống, tư tưởng của cha ông ta thời kì trước. Hơn cả điều đó, chính là giá trị mà văn học đem đến cho con người. Goóc-ki đã từng nhấn mạnh “Văn học là nhân học”. Những tác phẩm văn học khiến cho con người ta trở nên người hơn. Đánh thức dậy, tôi luyện thêm những tình cảm yêu thương, quý mến, bao dung, hi sinh, đồng cảm… từ sâu trong trái tim người đọc. Những tác phẩm ấy hướng chúng ta đến điều hay lẽ phải, hướng chúng ta đến những gì nhân văn nhất.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, văn học phải đối mặt với những vấn đề không hề nhỏ. Đó chính là sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn. Văn học giờ đây không còn giữ vai trò độc tôn trong việc truyền tải những bài học giáo dục, những câu chuyện bổ ích, nhân văn. Đặc biệt, các hình thức truyền tải thông qua hình ảnh, âm nhạc cũng dễ dàng thu hút các bạn nhỏ tuổi hơn là đọc sách. Điều đó gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến văn học. Cùng với sự biến động của thị trường, ngày càng nhiều tác phẩm văn học ăn xổi, không có giá trị được đưa ra bày bán tràn lan. Khiến hình ảnh văn học trong mắt người đọc trở nên bớt ý nghĩa hơn. Để đối mặt với điều đó, văn học cũng phải chuyển mình mạnh mẽ hơn, để giữ được vị trí của mình trong lòng độc giả. Đó là sự phát triển đa dạng hơn về nội dung, thể loại. Cùng với đó là sự kết hợp với các hình ảnh minh họa, phương tiện quảng cáo. Nhờ vậy, văn học vẫn có thể tiếp cận với người đọc ở nhiều lứa tuổi, mà không bị bó hẹp với những người đã trưởng thành. Tuy nhiên, văn học ngày nay vẫn giữ được những giá trị nhân văn cao cả, giữ vững sứ mệnh của bản thân với sự phát triển của xã hội. Đó chính là điều đáng quý, là tôn chỉ của văn học chân chính.

Em rất thích đọc sách văn học. Không chỉ bởi nội dung ý nghĩa, đa dạng mà còn vì được phát triển tự do tư duy, trí tưởng tượng của bản thân. Em tin rằng, với khả năng thích nghi của văn học trong cuộc sống ngày nay, thì nó sẽ vẫn tiếp tục trường tồn với sự phát triển của xã hội.


3. SAU KHI NÓI

Người nói và người nghe cùng trao đổi về các vấn đề sau:

– Nội dung và cách thức trình bày của người nói (đánh giá tính thuyết phục của hệ thống luận điểm, lí lẽ, bằng chứng; nhận xét về cách nói, giọng nói, cách sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ,…)

– Ý kiến và cách phản biện của người nghe (đánh giá tính xác đảng, hợp lí của ý kiến; nội dung phản biện; cách tiếp nhận ý kiến của người nói).

– Thái độ và sự tương tác giữa người nói và người nghe (đánh giá sự tôn trọng đối với người đối thoại, mức độ tương tác,…


BÀI NÓI THAM KHẢO

Từ xưa đến nay, văn học luôn song hành, gắn bó mật thiết với con người và đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở mỗi thời kì và ở mỗi người, cách nhìn nhận, suy nghĩ về vai trò của văn học lại có những điểm khác biệt. Hiện nay, nhiều người quan niệm văn học vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống, nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, giá trị của văn học đã bị giảm đi trước sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn

Như chúng ta đã biết, văn chương bao gồm tất cả những gì rộng rãi nhất về nghệ thuật ngôn ngữ. Nó có thể là những kiến thức về lịch sử, địa lí, tri thức,… Hiểu theo nghĩa hẹp hơn thì đó là tác phẩm văn học, nghệ thuật ngôn từ,… Hẹp hơn nữa là tính nghệ thuật, vẻ đẹp của câu văn, lời nói. Văn chương nó rất nhiều khái niệm để hiểu được nó và cũng từ đó mà nó đã có thật nhiều công dụng đem lại cho mọi người tận hưởng nét nghệ thuật văn chương đó. Như trong văn bản “Ý nghĩa văn chương” của tác giả Hoài Thanh đã có chứng minh rất rõ công dụng quý giá của văn chương. Nó là hình dung và sự sáng tạo của bao sự sống muôn hình vạn trạng; là nguồn gốc cốt yếu của bao tình thương yêu con người, động vật thật cao cả. Cuộc sống của con người ngày càng bận rộn, hối hả để chạy theo những cuộc đua vật chất và tinh thần trong xã hội nên việc cảm nhận những nét đẹp trong cuộc sống ngày càng khó khăn và hạn hẹp hơn. Vì thế, có không ít ý kiến cho rằng, giá trị của văn học đã bị giảm đi trước sự cạnh tranh của các phương tiện nghe nhìn. Tuy nhiên, thực tế đã phủ định điều đó. Vì văn chương đã giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn, thực tế hơn những cảm xúc mà bản thân chưa có hoặc chưa khai thác được vì nhu cầu đời sống xã hội. Văn chương chính là hình dung của bao tâm hồn thi sĩ, yêu đời và hết sức đẹp đẽ.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm (truyện) sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 82 sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com