Soạn bài Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 3. Kí. Nội dung bài Soạn bài Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.


VIẾT

Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân

1. Định hướng

a) Kỉ niệm là những câu chuyện còn giữ lại được trong trí nhớ của mỗi người. Viết bài văn kể về một kỉ niệm là ghi lại những điều thú vị, có ấn tượng sâu sắc về một sự việc trong quá khứ mà em đã chứng kiến và trải nghiệm. Trong bài viết người kể sử dụng ngôi thứ nhất xưng “tôi”.

Ví dụ: Văn bản Người thủ thư thời thơ ấu kể về kỉ niệm trong thời học sinh của tác giả.

Kỉ niệm về bác thủ thư của tác giả trong ngày đi đăng kí thẻ đọc.

– Khi đó, tác giả chưa đủ tuổi đăng kí, bác thủ thư bảo về. Nhưng tác giả cứ đứng mãi ở đó cho đến khi được bác thủ thư cho mượn cuốn sách Búp sen xanh.

– Sau khi đọc hăng say, trả lời được câu hỏi của bác thủ thư, thì tác giả đã có một tấm thẻ thư viện của mình.

– Tác giả nhớ mãi khúc hát mà bác đàn cho mọi người hát.

b) Từ văn bản Người thủ thư thời thơ ấu, có thể rút ra được cách viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân:

– Xác định kỉ niệm được kể lại và nêu tên kỉ niệm đó ở nhan đề của bài viết.

– Kể về kỉ niệm đã xảy ra như thế nào? Có gì đặc sắc và đáng nhớ?

– Sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi” để dễ dàng trình bày những quan sát, suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

– Suy nghĩ về những ảnh hưởng, tác động của kỉ niệm ấy.

– Kết thúc: Nói lên mong ước và cảm nghĩ của người viết.


2. Thực hành

Bài tập trang 66 Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều

Kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em với thầy cô, bạn bè khi học ở trường tiểu học.

a) Chuẩn bị

– Nhớ lại và xác định một kỉ niệm sâu sắc của em những năm tiểu học.

– Xem lại cách viết.

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý:

+ Em nhớ và định kể lại kỉ niệm: Buổi học cuối cùng ở trường tiểu học.

+ Câu chuyện cụ thể như sau:

• Đến lớp thật sớm, quan sát mọi thứ xung quanh.

• Không khí của lớp học trầm lặng.

• Cô giáo lần cuối điểm danh mọi người.

+ Kỉ niệm ấy sâu sắc, đáng nhớ vì đánh dấu kết thúc 5 năm học ở trường tiểu học, chuyển sang cấp học mới, môi trường mới.

– Lập dàn ý:

+ Mở bài: Nêu khái quát về kỉ niệm: Nhớ như in cái ngày cuối cùng tại trường tiểu học của mình, giây phút phải chia xa mọi người.

+ Thân bài: Kể chi tiết, cụ thể về kỉ niệm.

• Tôi đi học thật sớm, nhìn kĩ lại trang phục, đồ dùng của mình. Cảm giác khó tả khi chuẩn bị không còn là học sinh tiểu học.

• Trên đường đến trường quen thuộc, nhìn kĩ khung cảnh thấy man mác buồn.

• Vào lớp học, quan sát bạn bè vui cười, hồn nhiên trêu đùa.

• Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, dặn dò cả lớp.

• Lần cuối cùng, cô điểm danh sĩ số, ai nấy đều rưng rưng, chạy ôm lấy cô.

+ Kết bài: Cảm nghĩ của em về kỉ niệm đó.

• Đó là giây phút tuyệt đẹp nhất trong những năm tháng học lớp 5.

• Khoảng khắc chấm dứt cấp tiểu học, chuyển sang giai đoạn mới, bước vào lớp 6.

c) Viết

Thời gian trôi qua nhanh, ngày nào tôi còn bỡ ngỡ nép sau lưng mẹ, từng bước chậm rãi đi qua cánh cổng trường tiểu học. Vậy mà nay tôi đã đi học lớp 6, làm quen với một môi trường mới hoàn toàn. Một trong những kỉ niệm mà tôi chẳng thể nào quên được đó là hồi ức về buổi học cuối cùng tại trường tiểu học.

Hôm ấy tôi đến lớp thật sớm, khoác trên mình bộ đồng phục chỉnh tề nhất, cũng tại hôm ấy tôi mới thấy được sự trang nghiêm và đáng trân trọng của bộ đồng phục mà tôi đã mặc trên người suốt mấy năm trời. Nhìn phù hiệu trường tiểu học A sao mà thân thương thế! Chỉ còn vài giờ nữa thôi, tôi sẽ không còn là học sinh tiểu học nữa mà trở thành các đàn anh, đàn chị đầy gương mẫu. Nhưng tại sao tâm trạng tôi lại đầy ắp nỗi buồn, sao cổ họng tôi lại cứ nghẹn lại, không biết nói gì.

Trên đường tới lớp, con đường vẫn đông đúc như mọi khi. Hàng cây xanh mướt hai bên đường như đang trùng xuống. Tôi cứ có cảm giác mọi thứ đang trôi chậm lại. Trường tiểu học của tôi được xây dựng trong một thị xã nhỏ, nằm ở ngoại ô thành phố Hà Nội. Trường tuy không rộng rãi, khang trang như mấy ngôi trường trong thành phố thế nhưng chúng tôi lại luôn cảm nhận được cái ấm áp và thân thuộc, trường như ngôi nhà thứ hai của bọn nhỏ chúng tôi. Một sáng mùa hè trong veo và yên ả, những tia nắng đang rọi xuống từng vòm cây xanh mượt mà. Cảnh sân trường buổi sáng mai tĩnh lặng đến lạ kì, có lẽ vì do các bạn học sinh chưa đến hết. Hôm nay tôi đến trường sớm hơn mọi ngày vì đây là buổi học đặc biệt.

Tôi vào lớp ngồi ngay ngắn trên bàn học, vì hôm ấy là buổi học cuối cùng nên chúng tôi không cần phải học nhiều, thi cử cũng đã xong nên có lẽ bây giờ là thời điểm nhẹ nhàng nhất. Tôi mang chiếc cặp mà trong đó có vẻn vẹn vài cuốn sách cũ, tôi nhẹ để chúng lên bàn và ngồi ngắm nhìn mọi thứ xung quanh mình. Các bạn trong lớp vẫn hồn nhiên tươi cười, trêu đùa nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện mà mình biết.

Tiếng nô đùa, tiếng cười giòn tan của các bạn trong lớp cuối cùng cũng đã dừng lại khi cô chủ nhiệm bước vào. Hôm ấy cô không quát mắng chúng tôi. Không còn là cô chủ nhiệm nghiêm khắc hay nhắc nhở chúng tôi mỗi khi chúng tôi mắc lỗi, lúc ấy cô chỉ bước vào và im lặng. Ánh mắt cô giáo hôm nay cũng buồn và nhẹ nhàng biết bao. Cô nhìn một loạt các bạn học sinh, mắt rơm lệ, và nhắn nhủ chúng em phải cố gắng để trở thành học trò ngoan và giỏi ở cấp học mới. Cũng là những lời quen thuộc, cũng là cái giọng nói ấy, vẫn ngữ điệu thân quen ấy nhưng sao hôm nay chúng tôi lại thấy nó thấm thía đến lạ và muốn nghe mãi không thôi.

Cuối cùng cô điểm danh cả lớp lần cuối, cô cầm cuốn sổ điểm danh lên đọc to rõ ràng tên từng bạn học sinh một, khi tên mỗi bạn vang lên cô còn nhắc nhở thêm về điểm mạnh, điểm yếu để chúng tôi khắc phục và hoàn thiện hơn. Khi cô gập lại cuốn sổ cũng là lúc tiếng trống trường vang lên, đó cũng là lúc chúng tôi nhận ra cuộc đời học sinh yêu dấu tại trường tiểu học của chúng tôi đã kết thúc, khi ấy chẳng ai có thể kìm nén được cái mớ cảm xúc hỗn độn của mình và tất cả đều khóc lớn. Cả lớp chúng tôi vỡ òa khóc lớn và chạy lên ôm trầm lấy cô, ngày hôm ấy cả ngôi trường vỡ òa trong tiếng khóc. Ngày hôm ấy chúng tôi rời xa nhau, rời xa mái trường, khép lại quãng thời gian tiểu học.

Đó là giây phút tuyệt đẹp nhất trong những năm tháng học lớp 5. Tạm biệt mái trường thân yêu, tạm biệt chỗ ngồi thân thương, tạm biệt bảng đen phấn trắng, “cho dù có đi nơi đâu ta cũng không quên được nhau”. Khoảng khắc chấm dứt cấp tiểu học, tôi chuyển sang giai đoạn mới, bước vào lớp 6 – môi trường mới. Tôi dặn lòng sẽ học hành thật tốt để không khỏi tiếc nuối những tháng ngày ở cấp một.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Các em viết thành bài văn, kiểm tra và sửa lỗi chính tả (nếu có).


BÀI VIẾT THAM KHẢO

Nét bút đầu đời

Trong mấy năm đi học, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu. Nhưng kỉ niệm mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên đó là kỉ niệm hồi lớp 1, khi tôi tập viết và cô giáo đã tận tình cầm tay em viết từng nét.

Tròn 6 tuổi, tôi bước vào lớp một với tất cả sự háo hức. Tôi học đọc rất nhanh, chỉ nghe cô giáo đọc một lần, tôi có thể đọc theo vanh vách. Nhưng viết với tôi quả là một hành trình gian nan. Tôi thuận tay trái, từ nhỏ mẹ đã rèn cho tôi cầm bút tay phải. Nhưng cứ khi nào không có ai nhìn là tôi lại đổi tay. Cô giáo đầu tiên của tôi tên là Ngọc. Đúng như cái tên, cô xinh xắn và rạng rỡ, lại trìu mến, hiền dịu. Cô biết tôi thuận tay trái nên thường xuống bàn quan sát tôi viết, hướng dẫn tôi cách cầm bút bằng tay phải, tỉ mỉ theo dõi tôi viết bà . Bước vào học kì hai, chúng tôi tập viết chữ nhỏ, lại viết những bài chính tả dài hơn. Chữ tôi dần nguệch ngoạc. Trong giờ chính tả hôm đó, cô chép những dòng chữ tròn trịa lên bảng, chúng tôi chép vào vở của mình. Vì thấy cô không để ý, tôi liền lại đổi tay để viết.

Đến cuối buổi học, cô Ngọc trả vở chính tả cho chúng tôi. Cô bắt đầu nhận xét. Bỗng, cô nhắc tới tôi: “Bạn Gia Bảo hôm nay viết có tiến bộ. Tuy nhiên, cô nghĩ là con đang quên một điều.” Tôi hoảng hốt cúi mặt xuống. Trong tà áo dài thướt tha, cô bước xuống bàn tôi và tiếp lời: “Cả lớp nhớ cô dặn khi viết, tay chúng ta cầm bút thế nào không?” Lớp tôi đồng thanh nhắc lại lời cô dặn. Cô lại nói: “Tuy vậy, bạn Gia Bảo vẫn quên, con phải nhớ khi viết bài chúng ta phải viết bằng tay phải nhé.” Rồi cô nhìn thẳng tôi và nói: “Cô hi vọng Gia Bảo sẽ nhớ lời cô dặn.” Một vài bạn cất tiếng cười chê bai. Nghe thấy vậy, khuôn mặt tôi nóng bừng, nước mắt ứa ra và bàn tay vò trang vở vừa viết. “Nhưng cô thấy hôm nay chữ con viết tròn, đều đúng khoảng cách, con viết đẹp hơn rất nhiều bạn.” – Cô lại nhẹ nhàng nói. Cả lớp im phăng phắc. Em được cô động viên lại thấy êm lòng nên trút bỏ được cơn tức giận của một cậu con trai hiếu thắng.

Sau buổi học đó, tôi kiên trì rèn viết bằng tay phải. Lên lớp 2, tôi đã viết được những dòng chữ vô cùng sạch đẹp. Dù bây giờ, tôi không còn được học cô Ngọc nữa, nhưng những bài học lí thú sự quan tâm ân cần chu đáo và kiên nhẫn của cô tôi sẽ mãi không bao giờ quên. Tôi sẽ luôn trân trọng và ghi nhớ công ơn của cô Ngọc.


Ngày đầu tới trường

Với cuộc đời mỗi con người, quãng đời học sinh đều tuyệt vời, trong sáng và đẹp đẽ nhất. Quãng đời quý báu ấy của chúng ta gắn bó với biết bao ngôi trường yêu dấu. Với tôi, hơn tất cả, tôi yêu nhất mái trường Tiểu học đơn giản bởi chính nơi đây tôi đã và đang lưu giữ được nhiều cảm xúc thiêng liêng nhất trong những ngày đầu tới trường của tôi.

Ngôi trường của tôi là một ngôi trường mới, khang trang và đẹp đẽ với những dãy nhà cao tầng được sơn màu vàng, được lợp mái tôn đỏ tươi. Từng phòng học lúc nào cũng vang lên lời giảng ân cần của thầy cô, tiếng phát biểu dõng dạc trước lớp hay tiếng cười nói hồn nhiên, trong sáng của những bạn học sinh. Sân trường rộng rãi thoáng mát nhờ những hàng cây xanh tươi xào xạc lá và những cơn gió nhè nhẹ. Đây thật là nơi lí tưởng cho chúng tôi chơi đùa. Tôi yêu lắm rân trường này. Mỗi khoảng đất, mỗi chiếc ghế đá đều in dấu những kỉ niệm đẹp của tôi về những lần đi học hay chơi đùa cùng bạn bè. Cây vẫn đứng đó, lá vẫn reo mừng như ngày tôi vào lớp Một, ngỡ ngàng nhìn khoảng sân đẹp đẽ. Vâng, mọi thứ vẫn vẹn nguyên chỉ có chúng tôi là đang lớn lên. Thấm thoắt hơn bốn năm đã trôi qua, giờ tôi là học sinh lớp chín….Thời gian ơi, xin hãy ngừng trôi để tôi mãi là cô học sinh trung học, để tôi được sống mãi dưới mái trường này!

Và nơi đây cũng lưu giữ bao kỉ niệm đẹp đẽ về những người thầy cô, những bạn bè mà tôi yêu quý. Thầy cô của tôi luôn dịu dàng mà nghiêm khắc, hết lòng truyền lại cho chúng tôi những bài học bổ ích. Với tôi, thầy cô như những người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ chúng tôi thành người. Những người bạn lại là những người đồng hành tuyệt vời, luôn sát cánh bên tôi trên con đường học tập. Tất cả là những người anh, người chị, người em thân thiết và gắn bó với nhau trong một đại gia đình rộng lớn. Mỗi khi buồn bã hay thất vọng, chỉ cần nghĩ đến ánh mắt trìu mến của thầy cô hay là những nụ cười của bạn bè tôi lại thấy lòng mình ấm áp hơn. Ngôi trường còn ghi dấu không thể nào phai trong tôi vì những ngày kỉ niệm tưng bừng, rộn rã. Ngày khai trường, ngày hai mươi tháng mười một…. những ngày tháng tuyệt vời ấy lần lượt trôi đi để lại trong tôi những nuối tiếc. Chỉ còn hai tháng nữa là tôi sẽ phải rời xa mái trường này. Tôi sẽ lại học những ngôi trường mới, có những thầy cô bạn bè mới… liệu những tháng ngày đẹp đẽ kéo dài được bao lâu?

Thời gian trôi đi như những làn sóng dập dềnh ra khơi không trở lại. Nhưng có một thứ mãi mãi ở lại cùng tôi, đó chính là hình bóng mái trường Tiểu học mến yêu của tôi.


Bài trước:

👉 Soạn bài Thời thơ ấu của Hon-đa sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Kể về một kỉ niệm của bản thân sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn kể về một kỉ niệm của bản thân sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com