Soạn bài Viết: Kể lại một chuyện cổ tích sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Hướng dẫn soạn BÀI 2: MIỀN CỔ TÍCH. Nội dung bài Soạn bài Viết: Kể lại một chuyện cổ tích sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.


VIẾT

KỂ LẠI MỘT CHUYỆN CỔ TÍCH

Em đã từng đọc, được nghe kể nhiều truyện cổ tích hay. Có những truyện để lại ấn tượng rất sâu đậm trong kí ức của em. Có khi nào em muốn tự mình kể lại cho mọi người nghe những câu chuyện thú vị đó hay không? Cách thức kể như thế nào?… Bài học này sẽ hướng dẫn những bước cơ bản để em biết cách kể lại một truyện cổ tích.

Kể lại một truyện cổ tích thuộc loại văn kể chuyện, trong đó, người viết kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của mình.

Yêu cầu đối với kiểu bài:

● Người kể sử dụng ngôi thứ ba.

● Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.

● Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.

● Bài văn gồm có ba phần:

Mở bài: giới thiệu truyện cổ tích sẽ kể lại (tên truyện, lí do chọn kể,…).

Thân bài: giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.

Kết bài: nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể.


Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Em hãy tìm đọc truyện cổ tích Cây khế và đọc bài văn kể lại truyện Cây khế, sau đó trả lời những câu hỏi sau:

Câu 1 trang 54 Ngữ Văn 6 tập 1 CTST

Người kể có nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện hay không?

Trả lời:

Người kể đã nêu được thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện: ngày xưa và tại một nhà kia.


Câu 2 trang 54 Ngữ Văn 6 tập 1 CTST

Người kể có đảm bảo kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế hay không?

Trả lời:

Người kể đã đảm bảo kể đủ những sự việc chính đã diễn ra trong truyện Cây khế:

– Cha mẹ mất sớm, người anh lấy hết của cải.

– Chim ăn khế và trả vàng cho nhà người em.

– Người anh đòi đổi tài sản lấy cây khế của em.

– Do quá tham lam, bắt chim chở nặng nên người anh đã rơi xuống biển và bị sóng cuốn đi.


Câu 3 trang 54 Ngữ Văn 6 tập 1 CTST

Những hành động của nhân vật trong truyện có bị người kể bỏ sót hay không?

Trả lời:

Những hành động của nhân vật trong truyện không bị người kể bỏ sót:

– Hành động của người anh độc ác lấy hết gia sản.

– Người em hiền lành cho chim ăn khế.

– Con chim biết lấy vàng trả ơn.

– Người anh tham lam bắt chim chở nặng và nhận lấy cái chết.


Câu 4 trang 54 Ngữ Văn 6 tập 1 CTST

Từ bài văn kể lại truyện Cây khế, em học được điều gì về cách kể lại một truyện cổ tích?

Trả lời:

Từ bài văn kể lại truyện Cây khế, em học được cách kể lại một truyện cổ tích đó là phải đáp ứng đầy đủ nội dung và hình thức của văn bản:

– Trình bày tên truyện và lí do kể truyện.

– Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.

– Trình bày các sự việc chính của truyện.

– Trình bày kết thúc truyện.

– Suy nghĩ của bản thân về kết thúc truyện.


Đề bài trang 54 Ngữ Văn 6 tập 1 CTST

Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích.

Trả lời:

Hướng dẫn kể truyện cổ tích Cây vú sữa:

Lập dàn ý:

1. Mở bài: giới thiệu

– Tên truyện: Cây vú sữa.

– Lí do muốn kể lại truyện: Cho em hiểu tình yêu bao la của mẹ và nhắc nhủ em đạo làm con.

2. Thân bài

– Trình bày:

+ Nhân vật: mẹ và cậu bé.

+ Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: mẹ mắng vầ cậu bé bỏ nhà đi.

– Kể chuyện theo trình tự thời gian:

+ Sự việc 1: mẹ mắng nên cậu bé vùng vằng bỏ đi không về.

+ Sự việc 2: Qúa đau buồn và kiệt sức vì nhớ con, mẹ cậu đã mất và hóa thành cây vú sữa.

+ Sự việc 3: Cậu bé bị đói và bị bắt nạt, nhớ mẹ nên đã tìm đường về nhà.

+ Sự việc 4: Về đến nhà không thấy mẹ đâu, chỉ có cây vú sữa.

+ Sự việc 5: Cậu bé ăn trái vú sữa ngọt ngào nhớ đến tình yêu thương của mẹ

+ Sự việc 6: Xóm làng ai cũng thích cây trái vú sữa nên xin hạt về trồng và đặt là cây vú sữa.

3. Kết bài: Cảm nghĩ về truyện vừa kể: cảm thấy biết ơn và kính trọng mẹ nhiều hơn.

Bài tham khảo:

Truyện cổ tích chính là suối nguồn mát lành về lòng nhân hậu và những bài học làm người bao la. Hòa trong dòng chảy mát lành ấy, có tác phẩm Cây vú sữa là câu chuyện khiến em nhớ mãi về sự hi sinh của đấng sinh thành.

Ngày xưa, có một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi. Cậu la cà khắp nơi, mẹ cậu ở nhà không biết cậu ở đâu nên buồn lắm. Ngày ngày mẹ ngồi trên bậc cửa ngóng cậu về. Một thời gian trôi qua mà cậu vẫn không về. Vì quá đau buồn và kiệt sức, mẹ cậu gục xuống và hóa thành một cái cây.

Một hôm, vừa đói vừa rét, lại bị trẻ lớn hơn đánh, cậu mới nhớ đến mẹ. “Phải rồi, khi mình đói, mẹ vẫn cho mình ăn, khi mình bị đứa khác bắt nạt, mẹ vẫn bên mình, về với mẹ thôi.” Cậu liền tìm đường về nhà. Ở nhà, cảnh vật vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ đâu. Cậu khản tiếng gọi mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ đi đâu rồi, con đói quá! – Cậu bé gục xuống, rồi ôm một cây xanh trong vườn mà khóc.

Kỳ lạ thay, cây xanh bỗng run rẩy. Cây nghiêng cành, một quả to rơi vào tay cậu bé. Cậu bé cắn một miếng thật to. Chát quá! Quả thứ hai rơi xuống. Cậu lột vỏ, cắn vào hạt quả. Cứng quá. Quả thứ ba rơi xuống. Cậu khẽ bóp quanh quanh quả, lớp vỏ mềm dần rồi khẽ nứt ra một kẽ nhỏ. Một dòng sữa trắng sóng sánh trào ra, ngọt thơm như sữa mẹ.

Cây rung rinh cành lá, thì thào:

– Ăn trái ba lần mới biết trái ngon. Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ.

Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Cậu nhìn lên tán lá, lá một mặt xanh bóng, mặt kia đỏ hoe như mắt mẹ khóc chờ con. Cậu ôm lấy thân cây mà khóc, thân cây xù xì, thô ráp như đôi bàn tay làm lụng của mẹ. Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu, ai cũng thích. Họ đem về gieo trồng khắp nơi và đặt tên là Cây Vú Sữa.

“Đi khắp thế gian, không ai tốt bằng mẹ”. Câu chuyện về cây vú sữa đã gửi gắm đến chúng em bài học về đạo làm con và công ơn trời biển của đấng sinh thành. Cảm ơn vườn cổ tích, cảm ơn những câu chuyện nhân văn đã dạy dỗ chúng em nên người trong suốt hành trình lớn lên.


Hướng dẫn quy trình viết

Viết một bài văn khoảng 400 chữ kể lại một truyện cổ tích.

Dàn ý:

1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện “Em bé thông minh”

2. Thân bài:

– Kể lại câu chuyện theo trật tự phù hợp. Nhưng đảm bảo gồm các sự kiện chính sau:

+ Vua sai cận thần đi tìm người tài giỏi giúp nước.

+ Cận thần gặp hai cha con đang cày ruộng, và đưa ra câu hỏi oái oăm (trâu 1 ngày cày được mấy đường)

+ Cậu bé đã trả lời bằng một câu đố ngược lại khiến vị quan không biết trả lời thế nào (ngựa của quan 1 ngày đi mấy đường).

+ Quan về tâu vua, vua tiếp tục ra câu đố mới (ban cho 3 con trâu đực và muốn đẻ thành 9 con)

+ Em bé đã để cả làng làm thịt trâu ăn và đố lại nhà vua khiến vua rất bất ngờ trước trí thông minh của em (làm cho bố đẻ em)

+ Vua quyết định thử tài em bé lần 3 bằng cách đưa một con chim sẻ bắt dọn thành 3 cỗ thức ăn.

+ Em bé giải đố bằng cách đố lại vua khiến vua khâm phục trước tài trí của mình (rèn kim thành dao mổ chim)

+ Nước láng giềng muốn xâm chiếm bờ cõi, bèn dò la xem nước ta có người tài hay không nên ra câu đố hóc búa mãi không ai giải được (xâu sợi chỉ mảnh qua đường ruột ốc)

+ Vua quan đều không giải được phải nhờ đến em bé mới giải được.

+ Em bé được phong là trạng nguyên.

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện

Bài tham khảo:

Trong kho tàng truyện cổ tích của dân tộc ta, em rất thích các câu chuyện về những nhân vật có tài trí hơn người. Trong đó, em thích nhất là câu chuyện Em bé thông minh.

Câu chuyện bắt đầu tại một làng nọ, có hai cha con tuy nghèo nhưng sống rất hạnh phúc. Đặc biệt là người con trai, không chỉ ngoan ngoãn mà còn vô cùng thông minh. Một hôm, khi hai cha con đang cày ruộng thì gặp sứ giả đến hỏi chuyện. Thì ra, ông ấy được nhà vua phái đi tìm kiếm người những người hiền tài để xây dựng đất nước. Trước câu đố hóc búa của sứ giả, rằng con trâu kia một ngày có thể cày được mấy đường, thì cậu bé đã dễ dàng hóa giải khi thách đố ngược lại ông ta rằng hãy nói xem ngựa của sứ giả một ngày đi được bao nhiêu bước. Sự tài trí đó của cậu bé đã khiến cậu nhanh chóng được nhà vua chú ý đến.Tuy nhiên, nhà vua vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục thử tài cậu. Lần thứ nhất, vua đưa cho làng cậu bé ba con trâu đực cùng ba thúng gạo nếp, yêu cầu sau một năm giao nộp chín con trâu.

Thật bất ngờ, cậu bé đã lên kinh, đố ngược lại nhà vua, rằng hãy làm cho cha cậu sinh em bé. Còn số trâu và gạo nếp kia, cậu đã cùng ca rlangf đem ra ăn uống no say rồi. Sự thông minh, nhanh nhạy của cậu làm vua rất thích thú. Tuy nhiên, ngài vẫn quyết định thử tài cậu thêm lần nữa. Lần này, nhà vua đã yêu cầu cậu bé mổ một con chim sẻ để làm ra ba mâm cỗ. Nhưng yêu cầu này chẳng làm khó được cậu. Ngay lập tức, cậu bé đem ra một chiếc kim khâu và nhắn nhủ, nhờ nhà vua mài nó thành một con dao để mổ thịt chim. Đến lần này, thì nhà vua hoàn toàn thán phục trước trí tuệ cao siêu của cậu.

Đúng thời gian đó, có sứ giả của nước láng giềng sang thăm. Mục đích là tra tim xem nước ta có người tài hay không, để tiến hành xâm lược. Hắn đưa ra một câu hỏi vô cùng hóc búa để thực hiện mục đích. Cả triều trình cùng nhau căng não nhưng không ai biết cách nào để đưa sợi chỉ mảnh qua đường ruột ốc cả. Ấy vậy mà, ngay khi vừa nghe câu đố, em bé đã đưa ra được câu trả lời ngay. Biết vậy, tên sứ giả vội trở về nước bẩm tấu, rằng không nên tấn công nước ta vì nước ta có người rất tài giỏi. Sau lần đó, cậu bé được phong làm trạng nguyên, và thường xuyên được nhà vua mời sang hỏi về chuyện nước nhà.

Sau khi đọc câu chuyện “Em bé thông minh”, em rất khâm phục trí tuệ cao siêu, vốn hiểu biết sâu rộng của cậu bé nhỏ tuổi. Và lấy đó làm động lực để cố gắng phấn đấu học tập tốt hơn nữa.


Bài trước:

👉 Soạn bài Non-bu và Heng-bu sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Nói và nghe: Kể lại một chuyện cổ tích sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết: Kể lại một chuyện cổ tích sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com