Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn Bài 3. CỘI NGUỒN YÊU THƯƠNG. Nội dung bài Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

Câu 1 trang 58 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Kể tên một số loài hoa em biết. Em có thể “nhận ra” các loài hoa ấy bằng những cách nào?

Trả lời:

– Một số loài hoa em biết: hoa hồng, hoa cúc họa mi, hoa lay ơn,…

– Em có thể “nhận ra” các loài hoa ấy bằng những cách: nhìn vào hình dáng, màu sắc; ngửi mùi hương; nhận biết mùa hoa,…


Câu 2 trang 58 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Theo em, nhan đề Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ gợi điều gì thú vị?

Trả lời:

Nhan đề Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ cho thấy chủ thể của hành động đồng thời thực hiện hai hành động tưởng như không thể cùng thực hiện được trong một lúc. Thường thì sẽ là mở mắt để ngắm nhìn thiên nhiên. Nhưng ở đây là nhắm mắt mở cửa sổ, nhan đề gợi sự tò mò thú vị.

Hoặc:

Nhan đề rất độc đáo và thu hút người đọc. Là sự kết hợp giữa hai vế có nội dung mang tính chất đối lập “nhắm >< mở”:vừa nhắm mắt mà vẫn mở cửa sổ → gợi hứng thú và sự tò mò cho người đọc.


ĐỌC VĂN BẢN

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Theo dõi trang 59 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật tôi.

Trả lời:

Bố trồng nhiều hoa, bố làm cho tôi bình tưới nhỏ, bố bảo tôi nhắm mắt lại dẫn đi chạm từng bông hoa để đố xem đó là hoa gì.


Theo dõi trang 59 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Lời nói, cử chỉ, hành động của các nhân vật.

Trả lời:

– Tôi đã thuộc khu vườn, có thể vừa nhắm mắt vừa đi mà không chạm vào vật gì.

– Bố thường hay đố tôi tìm ra bố.

– Hai bố con trò chuyện giống như những người bạn.


Suy luận trang 60 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Vì sao nhân vật “tôi” có thể giúp bố cứu được bạn Tí?

Trả lời:

Nhân vật “tôi” có thể giúp bố cứu được bạn Tí nhờ vào khả năng lắng nghe âm thanh tài tình. Cậu đã phát hiện chính xác vị trí của Tí khi nghe thấy tiếng hét.

Hoặc:

Vì nhờ vào khả năng lắng nghe âm thanh tài tình, cậu đã phát hiện chính xác vị trí của Tí khi nghe thấy tiếng hét.


Suy luận trang 61 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Vì sao nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố?

Trả lời:

Nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố vì để nghe âm thanh từ cái tên. Bởi bố có nói mỗi cái tên đều là một thanh âm tuyệt vời.

– Tên của Tí khi đọc lên âm thanh cứ du dương như một bài hát

– Gọi tên bố hàng ngày chỉ để nghe âm thanh.


Theo dõi trang 61 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng giải về những món quà.

Trả lời:

Nhân vật tôi cảm thấy vui và trân trọng những món quà, đặc biệt là món quà là bố.


Theo dõi trang 63 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Điều bí mật nhân vật “tôi” muốn chia sẻ là gì?

Trả lời:

Điều bí mật mà nhân “tôi” muốn chia sẻ là sự cảm nhận, nhận biết những loài hoa bằng mũi chứ không phải bằng mắt.Nhân vật “tôi” hiểu khu vườn nói gì, hiểu giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì…


SAU KHI ĐỌC

Nội dung chính:

Tác phẩm đưa ra một cách cảm nhận thiên nhiên xung quanh ta: cảm nhận bằng mọi giác quan. Đồng thời gửi đến thông điệp về món quà và cách gửi quà, nhận quà. Qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, tình cha con và tình cảm với những “món quà” của các nhân vật.


TRẢ LỜI CÂU HỎI

Câu 1 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Nhân vật “tôi” đã được bố dạy cho cách “nhìn” đặc biệt như thế nào để nhận ra những bông hoa trong vườn?

Trả lời:

Nhân vật “tôi” dã được bố dạy cho cách nhìn đặc biệt để nhận ra những bông hoa trong vườn: Nhân vật “tôi” được bố dạy cho cách nhận ra những bông hoa trong vườn không phải bằng mắt mà bằng cảm giác của đôi bàn tay và bằng cách ngửi mùi hương của hoa.


Câu 2 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật nào? Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật “tôi”.

Việc lựa chọn người kể chuyện trong đoạn trích vừa có tác dụng miêu tả tính cách của nhân vật người bố vừa thể hiện được tình cảm của nhân vật “tôi”.


Câu 3 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Nêu cảm nhận về tính cách của nhân vật người bố. Chỉ ra một số chi tiết khiến em có những cảm nhận đó.

Trả lời:

Nhân vật người bố:

– Kiên nhẫn dạy con cách cảm nhận về vẻ đẹp và sự sống trong khu vườn; gần gũi, chia sẻ nhiều cảm xúc, suy nghĩ với con như một người bạn thân thiết; coi con là “món quà” quý giá nhất của cuộc đời;…

– Yêu thương Tí, trân trọng đón nhận món quà đơn sơ của Tí,…

– Thích trồng hoa, luôn chăm sóc và biết lắng nghe “tiếng nói” của khu vườn, nhịp sống của thiên nhiên,…

→ Có thể thấy, nhân vật người bố là một người rất yêu thương con, luôn quan tâm, gần gũi với con và có tâm hồn phong phú, sâu sắc; có trái tim nhân hậu.


Câu 4 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Vì sao nhân vật “tôi” có thể biết chính xác tiếng kêu cứu của bạn Tí vang lên từ đâu? Chi tiết này có mối liên hệ với chi tiết nào trước đó?

Trả lời:

Nhân vật “tôi” nghe được tiếng kêu cứu của bạn Tí vì em đã tập “nhắm mắt” để lắng nghe và cảm nhận về thế giới xung quanh. Nhờ luyện tập, em có thể nghe âm thanh mà đoán được nó vang lên từ đâu, ở khoảng cách như thế nào.


Câu 5 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Liệt kê những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về bố và bạn Tí. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nào của nhân vật “tôi”?

Trả lời:

– Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về bố:

+ Yêu quý.

+ Gần gũi với bố, đón nhận từng cử chỉ chăm sóc của bố với lòng biết ơn: bố làm cho “tôi” chiếc bình tưới xinh xắn, dạy “tôi” cách cảm nhận về khu vườn.

+ Bố là món quà “bự” nhất của tôi,…

– Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về Tí:

+ Coi Tí là người bạn thân nhất, sẵn sàng chia sẻ với bạn bí mật ngọt ngào, hạnh phúc của hai bố con.

+ Thấy tên bạn Tí đẹp và hay hơn mọi âm thanh, thích gọi bạn để được nghe cái tên ấy vang lên,…

→ Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nhạy cảm, tinh tế, biết yêu thương mọi người. Cậu có một tình cảm ngưỡng mộ bố và quý mến bạn vô cùng.

Hoặc:

– Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về bố: yêu quý; gần gũi với bố, đón nhận từng cử chỉ chăm sóc của bố với lòng biết ơn; coi bố là món quà “bự” nhất…

– Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về Tí: coi Tí là người bạn thân nhất, sẵn sàng chia sẻ với bạn bí mật; thấy tên bạn Tí đẹp và hay hơn mọi âm thanh, thích gọi bạn để được nghe cái tên ấy vang lên,…

→ Tính cách nhạy cảm, tinh tế, biết yêu thương mọi người.


Câu 6 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” đã phát hiện được những “bí mật” là: tiếng những bước chân, mùi hương của những loài hoa đang nở trong khu vườn. Theo em, những “bí mật” ấy mang lại điều gì cho cuộc sống hằng ngày của nhân vật?

Trả lời:

Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” đã phát hiện được những “bí mật” gì? Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” không chỉ thấy những bông hoa thơm hơn mà còn “nhìn” thấy nguyên cả khu vườn, cả bông hồng ngay trong đêm tối,…

→ Những bí mật ấy mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống hằng ngày và làm giàu có tâm hồn của nhân vật “tôi”.


Câu 7 trang 64 Ngữ Văn 7 tập 1 KNTT

Em có đồng tình với những điều nhân vật người bố nói về các “món quà” không? Vì sao?

Trả lời:

Em đồng tình với những điều nhân vật người bố nói về các “món quà”. Vì vẻ đẹp của món quà không nằm ở giá trị vật chất, cách trao tặng và đón nhận một món quà thể hiện con người chúng ta, chính tình cảm yêu thương chân thành khiến cho món quà trở nên quý giá…


VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một “món quà” em đặc biệt yêu thích

Bài tham khảo 1:

Đối với tôi, “món quà” đặc biệt nhất trong cuộc sống dành tặng cho tôi mà tôi yêu quý nhất, đó chính là mẹ tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ dịu dàng, đảm đang và yêu thương con hết mực. Mẹ chăm lo cho tôi từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi tôi đi học, mẹ chỉnh quần áo và cả khăn quàng cho tôi nữa. Lũ bạn vẫn thường ghen tị với tôi vì điều đó. Nếu không có mẹ – “món quà” đặc biệt đó, có lẽ tôi khó có thể có được một cuộc sống vui vẻ, thoải mái và được học hành đến nơi đến chốn. Tôi yêu và biết ơn về “món quà” to lớn này biết nhường nào!

Bài tham khảo 2:

Bất cứ một món quà nào trong cuộc sống này đều có ý nghĩa riêng biệt của nó. Đối với tôi thì món quà giá trị nhất mà tôi được nhận đó chính là bài học về việc trân trọng mọi thứ xung quanh chúng ta. Đó có thể là thiên nhiên tươi đẹp, là những người thân luôn dành cho ta tình yêu vô hạn. Chúng ta cần trân trọng những người đã tặng cho ta những món quà quý giá để ta hiểu và thêm trân trọng cuộc sống này. Món quà ý nghĩa này mà tôi nhận được tôi sẽ giữ gìn và lan tỏa đến mọi người.

Bài tham khảo 3:

“Món quà” mà em đặc biệt yêu thích chính là nụ cười của mẹ. Khi em cất tiếng khóc chào đời, mẹ đã nở nụ cười hạnh phúc, dường như mọi đau đớn đã xua tan. Khi em chập chững biết đi, mẹ vui sướng khôn nguôi. Nhất là khi em được điểm tốt, mẹ nở một nụ cười hiền hậu, không ngừng động viên em học hành. Khi em biết giúp đỡ mẹ làm việc nhà, nụ cười ấy lại thường trực trên môi. Được nhìn thấy nụ cười của mẹ chính là niềm hạnh phúc của em.

Bài tham khảo 4:

Nhà tôi ở vùng nông thôn nghèo khó, cả năm bố mẹ phải vất vả cấy cày ngoài đồng ruộng mới đủ nuôi hai anh em ăn học. Vì thế quà cáp với anh em tôi là một thứ xa xỉ. Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó, cũng giống như mọi năm, khi lĩnh giấy khen HSG về tôi treo gọn gàng vào cánh tủ quần áo và ngồi ngắm nhìn hồi lâu. Sáng hôm sau là ngày nghỉ, bố không đi làm đồng mà lại đi ra phố, lúc về bố đưa cho tôi một chiếc túi bóng màu trắng đục, bên trong lấp lánh sắc màu. Bố nói “phần thưởng cho gái diệu của bố”. Tôi òa lên sung sướng vì quà là thứ mà anh em tôi không bao giờ nghĩ đến. Cầm gói quà trên tay, tôi mở ra nhẹ nhàng, đó là một dây buộc tóc với vài chục quả ớt bằng nhựa lóng lánh sắc màu. Vậy là món quà đó theo tôi suốt đến nay, tuy là đã dão chun không còn sử dụng được nữa, những quả ớt cũng đã bạc màu nhưng với tôi nó là vô giá. Mỗi khi buồn tôi vẫn đem ra ngắm nghía chúng, ở đâu còn có bán những chiếc dây buộc tóc như vậy?


Bài trước:

👉 Soạn bài Chiều sông Thương sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 64 sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com