Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn Bài 3. Yêu thương và chia sẻ. Nội dung bài Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.


Viết

Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em

Trong cuộc sống có trải nghiệm đem lại cho em niềm vui, sự tự hào, hạnh phúc, có trải nghiệm mang lại cho em sự sợ hãi, nỗi buồn, tiếc nuối. Nhưng dù có thể nào, từ những trải nghiệm đó, em có thể rút ra những bài học để trưởng thành hơn. Ở bài Tôi và các bạn, em đã được hướng dẫn viết bài văn kể lại một trải nghiệm. Trong bài này, em sẽ tiếp tục viết bài văn chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ của bản thân với yêu cầu cao hơn.

Phân tích bài viết tham khảo

Trải nghiệm buồn của tôi

– Nội dung: kể về một câu chuyện buồn, một lần hiểu lầm trong tình bạn. Bài viết có cả bài học mà người viết rút ra từ câu chuyện đó.

– Người kể chuyện ngôi thứ nhất, xưng “tôi” (Tôi có nhiều trải nghiệm … Nhưng tôi vẫn muốn kể lại…) 

– Giới thiệu câu chuyện đây là 1 trải nghiệm buồn có ý nghĩa với người viết: “Tôi có nhiều trải nghiệm vui… bao giờ quên.”

– Bài viết kể về trải nghiệm gì?

Tóm tắt câu chuyện:

+ Sự kiện 1: Bản tổng hợp đầu năm học mà “tôi” đã chuẩn bị rất công phu bị ai đó vẽ nguệch ngoạc vào.

+ Sự kiện 2: “Tôi” nghĩ chắc chắn Duy là thủ phạm nhưng Duy khóc, không nhận lỗi.

+ Sự kiện 3: Tuấn đã đứng lên nhận lỗi trước cô giáo và cả lớp.

+ Sự kiện 4: “tôi” xấu hổ và ân hận vì lỗi lầm của mình.

– Bài văn kể theo trình tự thời gian và quan hệ nhân quả:

+ Trật tự thời gian: Sáng thứ Hai, đúng lúc ấy, lúc quay vào, khii cô chủ nhiệm vào lớp, về nhà… 

+ Quan hệ nhân quả: thoáng nhìn thấy Duy – nghĩ là Duy đã vẽ – hiểu lầm Duy – ân hận. 

– Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể: “Về nhà, tôi càng nghĩ… chuyện với tôi nữa!”

Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của người viết trước sự việc được kể: xấu hổ, ân hận, buồn, sợ hãi,…

– Chỉ ra sự quan trọng của trải nghiệm với người viết, lí do đây là trải nghiệm có ý nghĩa với người viết, giúp người viết thay đổi thái độ và hành động: “May mắn là… cho tớ nhé!”


Thực hành viết theo các bước

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn đề tài

Tham khảo một vài ý tưởng ở bài Tôi và các bạn. Ngoài ra, để tìm được đề tài, em có thể liệt kê những sự việc quan trọng đã xảy ra với mình theo trình tự thời gian.

Ví dụ:

– Bắt đầu vào Tiểu học,

– Chia tay mái trường Tiểu học,

– Gia đình chuyển nhà,

– Khi mới vào trường THCS,

– Làm quen với bạn mới,…

b. Tìm ý 

Ví dụ: Kể về trải nghiệm buồn một lần mắc lỗi.

– Lần lượt trình bày và trả lời các ý: Chuyện gì? Khi nào? Ở đâu? Ai? Vì sao? Thế nào?

+ Chuyện gì?: Một lần mắc lỗi.

+ Khi nào?: Hồi năm học lớp 4 trong giờ kiểm tra 15 phút.

+ Ở đâu?: Ở lớp học.

+ Ai?: Mắc lỗi với Hoa.

+ Vì sao?: Không học bài cũ nên chép bài của bạn.

+ Thế nào?: Cô giáo cho cả 2 điểm thấp. Bạn bè chê trách lầm Hoa.

– Thể hiện cảm xúc trước sự việc được kể: buồn, ân hận,…

+ Chỉ ra sự quan trọng của trải nghiệm với người viết: tự rút ra bài học cho chính mình phải biết quan tâm, chú ý tới cảm xúc của người khác.

c. Lập dàn ý 

Sắp xếp các ý đã tìm được thành một dàn ý

– Mở bài: Giới thiệu câu chuyện: Một lần mắc lỗi với người bạn thân – trải nghiệm buồn.

– Thân bài: Kể lại diễn biến của câu chuyện.

+ Giới thiệu thời gian, không gian xảy ra câu chuyện và những nhân vật có liên quan: Hồi năm lớp 4, trong giờ kiểm tra 15 phút,…

+ Kể lại các sự việc trong câu chuyện theo trình tự hợp lí (thời gian, không gian, nguyên nhân – kết quả, mức độ quan trọng của sự việc,…).

• Sự việc 1: Tôi và Hoa là bạn thân từ nhỏ, hay giúp đỡ nhau trong học tập.

• Sự việc 2: Tôi học rất tốt từng được điểm cao trong giờ kiểm tra miệng.

• Sự việc 3: Vì mải xem tivi không học bài nên trong giờ kiểm tra 15 phút, tôi không làm được bài nên đã giật bài của Hoa để chép.

• Sự việc 4: Cô giáo trả bài, phê bình cả 2 vì đã chép bài nhau nên được được điểm kém.

• Sự việc 5: Hoa buồn; bị bạn bè chê trách, giận bỏ về trước.

• Sự việc 6: Tôi nhận ra mình đã sai nên đuổi theo xin lỗi. Hoa tha thứ cho tôi. Cả hai lại thân thiết như xưa.

• …

– Kết bài: Nêu cảm xúc của người viết và rút ra ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân: buồn, ân hận, tự rút ra bài học cho chính mình phải biết quan tâm, chú ý tới cảm xúc của người khác.


2. VIẾT BÀI

Bám sát dàn ý khi viết bài: Xem lại những lưu ý khi viết bài ở bài Tôi và các bạn. Ngoài ra, em cần lưu ý thêm:

– Sử dụng các chi tiết miêu tả thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.

– Rút ra kết luận thuyết phục về ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với bản thân.

Bài tham khảo:

Trong cuộc đời mỗi người, ai chẳng có những phút giây lỗi lầm. Nhưng điều quan trọng là, sau mỗi lần mắc lỗi, chúng ta biết hối hận và sửa chữa sai lầm ấy. Tôi cũng đã có một lần mắc lỗi với chính người bạn thân của mình hồi năm học lớp 4. Đó là một trải nghiệm buồn vì suýt chút nữa chính tôi đã tự tay giết chết đi một tình bạn đẹp.

Tôi và Hoa chơi với nhau từ nhỏ, nhà ở cạnh nhau nên chúng tôi lại càng thân hơn, đi đến đâu cũng dính lấy nhau như hai chị em vậy. Chơi thân là thế, nhưng mọi người thường bảo tôi với Hoa như hai thỏi nam châm trái dấu. Hoa hiền lành, ít nói, trầm tính và chắc chắn, còn tôi thì lại khá tinh nghịch, trong người lúc nào cũng có dư thừa năng lượng, gặp ai đều có thể nói chuyện thoải mái. Những lúc như vậy, tôi lại cười, coi như bù trừ cho nhau vậy. Hàng ngày, ngoài việc đi học cùng nhau, Hoa còn giúp tôi rất nhiều trong học tập, nhờ có Hoa mà tôi đã tiến bộ lên rất nhiều.

Hôm đó, cô giáo vào lớp và gọi một số bạn lên kiểm tra bài cũ, trong đó có tôi. Vì đã học bài ở nhà nên tôi trả lời rất dõng dạc, tự tin, cô cho tôi một điểm 10 đỏ chói vào trong sổ. Bạn bè trong lớp nhìn tôi đầy ngưỡng mộ khi có thể nhớ chi tiết từng ngày tháng, địa danh trong bài lịch sử dài dằng dặc. Tối hôm đó, vì tivi có chương trình rất hay mà tôi yêu thích, cũng vì chủ quan rằng mình đã có điểm nên tôi không học lại bài. Ai ngờ hôm sau, cô bất ngờ cho kiểm tra 15 phút, tôi ngồi vò đầu bứt tai, cắn bút mãi mà cũng không thể nhớ nổi một chữ. Trong khi đó, ở bên cạnh tôi, Hoa đã làm xong từ bao giờ. Chỉ còn có 5 phút, tôi cuống quá liền giật lấy bài của Hoa và vội vàng chép. Tiết học sau, cô trả bài kiểm tra hôm ấy và nói rằng:

– Cô rất buồn rằng trong lớp ta có hiện tượng chép bài của nhau, đó là của Lan và Hoa, cô cho cả hai bạn 3 điểm, nếu các em có gì thắc mắc thì sau giờ học lên gặp cô.

Tôi sững sờ, còn Hoa mắt nhòe đi khi nhận bài kiểm tra của mình. Tôi vô tâm nghĩ rằng chỉ là một bài kiểm thôi mà, sau giờ học mình sẽ xin lỗi nó sau. Lúc tan học, Hoa chẳng đợi tôi về cùng mà đi trước. Mấy đứa bạn cùng lớp thì thầm rằng:

– Sao hôm nay Hoa lại không học bài nhỉ, mọi khi cậu ấy chăm lắm mà.

Bây giờ, tôi mới ân hận và hiểu ra lỗi lầm của mình. Vì vô tâm mà tôi đã làm tổn thương Hoa. Chẳng biết làm gì khác, tôi vội vàng chạy đuổi theo Hoa để xin lỗi. Bắt kịp Hoa, tôi nói bằng giọng hổn hển chẳng ra hơi:

– Hoa ơi. Mình xin lỗi nhé. Tại mình mà cậu bị điểm kém.

Hoa mỉm cười dịu dàng:

– Thôi, không sao đâu, mình cũng không giận cậu nữa.

Lúc ấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nếu không sửa lỗi kịp thời, có lẽ tôi đã đánh mất một người bạn tốt như Hoa.

Mỗi lần nhớ lại kỉ niệm ấy, tôi thấy thẹn với lòng và tự dặn mình phải biết chú ý tới cảm xúc của người khác hơn, nếu không, tôi sẽ đánh mất những người luôn yêu thương và giúp đỡ tôi trong cuộc sống.


3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

– Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của em theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được trải nghiệm. Nếu chưa giới thiệu được trải nghiệm, hãy viết một hoặc một vài câu giới thiệu câu chuyện em định kể.
Sử dụng nhất quán từ ngữ xưng hô. Khoanh tròn những từ ngữ chỉ người kể chuyện trong bài viết. Nếu chưa nhất quán, cần sửa lại.
Tập trung vào sự việc đã xảy ra. Bổ sung các thông tin cần thiết để người đọc hiểu được câu chuyện (nếu thấy thiếu): lược bớt các chi tiết thừa, dài dòng, không tập trung vào câu chuyện.
Sắp xếp các sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lí. Đánh số vào các sự việc. Nếu trình bày các sự việc, chi tiết chưa hợp lí, hãy sắp xếp lại. Có thể bổ sung từ ngữ để liên kết các sự việc, chi tiết.
Có các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện. Bổ sung các chi tiết về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện (nếu thấy thiếu).
Thể hiện được cảm xúc trước sự việc được kể. Gạch dưới những từ ngữ thể hiện cảm xúc trước sự việc. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần bổ sung.
Lí giải được ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm. Đánh dấu những câu văn lí giải ý nghĩa: tầm quan trọng của trải nghiệm. Nếu chưa thuyết phục, hãy điều chỉnh.
Bảo đảm yêu cầu về chính tả và diễn đạt. Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt (dùng từ, đặt câu,…). Chỉnh sửa nếu phát hiện có lỗi.

– Em có thể chỉnh sửa bài viết bằng cách nhờ bạn đọc, góp ý cho bài viết của mình bằng một số câu hỏi, chẳng hạn:

+ Phần nào của bài viết bạn thấy còn chưa rõ?

+ Cần bổ sung nội dung gì cho bài viết?

+ Nên lược bỏ câu hay đoạn nào trong bài viết?

+ Bài viết có mắc lỗi chính tả và diễn đạt không?


Bài viết tham khảo

Nhờ vào danh hiệu Học sinh giỏi năm ngoái mà tôi được bố mẹ đã thưởng cho một chuyến du lịch đến bãi biển Vũng Tàu xinh đẹp. Hôm ấy, tôi không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình: vừa vui mừng, vừa tự hào vì đây là phần thưởng tôi đạt được khi có thành tích tốt. A! Taxi đến rồi!

Ngồi trên xe, ngắm đường phố vào sáng sớm, tôi thấy thành phố nơi tôi ở sao mà đẹp thế! Hai bên đường đều là cây xanh mát tươi tốt, thẳng tắp như những chú bộ đội đang đi diễu hành… Woa! Cuối cùng chúng tôi cũng đã đến biển rồi sao? Biển Vũng Tàu mơ mộng nhưng cũng tràn đầy sức sống đã làm tôi mê mẩn nãy giờ. Ôi! Cái mùi mằn mặn trong làn gió thổi nhẹ qua mái tóc cũng đủ cho tôi cảm thấy sung sướng rồi! Khi gia đình tôi nhận phòng, tôi nhìn từ cửa sổ tầng năm mà thấy Vũng Tàu sao hùng vĩ, xinh đẹp đến thế! Hôm nay thời tiết thật đẹp, bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Có một vài con chim biển đang bay lượn trên trời như muốn nhập bọn với những trò vui của du khách nơi đây! Mặt trời trông như quả bóng lửa rực rỡ. Khi bố mẹ bảo tôi có thể xuống bãi rồi, tôi mừng rỡ chạy nhanh như bắt được vàng, tôi đã mong chờ giây phút này lâu lắm rồi! Bước xuống làn cát mềm mịn, tôi cảm giác như mình đang đứng trên một tấm thảm màu vàng nhạt bằng nhung vậy! Qua bờ cát mịn một chút là đã chạm những ngọn sóng tràn bờ vẫy lên chân. Những ngọn sóng nghịch ngợm từng đợt vỗ đến chân tôi. Nứơc biển mát thật đấy! Tôi thấy biển như một tấm gương khổng lồ phản chiếu lại hình ảnh của bầu trời. Hình như tôi đạp phải thứ gì đó! A! Là những chiếc vỏ ốc. Nhìn chúng đọng nước biển, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời đẹp thật! Cái trắng ngà, cái đo đỏ, cái lại hồng nhạt,… Nhìn khắp bãi, ngòai vỏ ốc còn có các chiếc dù đủ màu sắc sống động như có những cây kẹo mút khổng lồ vậy!

Các du khách ở đây đa số là người nước ngoài, họ rất vui vẻ và thân thiện. Họ ra đây để chơi thể thao như: bóng chuyền,… Nếu đã nói đến biển, người ta sẽ nghĩ ngay đến hải sản. Vì thế đến biển Vũng Tàu mà không ăn hải sản thì uổng lắm! Bố dẫn tôi và gia đình vào một tiệm bình dân trên bãi để ăn: nghêu, tôm, mực, cua,… Ngon quá! Đã xế chiều, gia đình tôi về khách sạn để nghỉ ngơi và chuẩn bị hành lý đi về. Nhìn ra ngòai, tôi thấy một bầu trời ửng đỏ. Mẹ tôi bảo đấy là trời đang nấu cơm. Khác với buổi sáng, trời hoàng hôn trên biển có vài đám mây đủ màu trôi bồng bềnh. Trông chúng như những cây kẹo bông gòn màu sắc mà mẹ mua cho tôi khi còn nhỏ. Biển thì phẳng lặng, trầm tính hơn biển buổi sáng. Trển bãi cũng ít người tắm hơn vì họ cũng như chúng tôi, đều về nghỉ ngơi… Đã đến giờ chúng tôi phải về. Trước khi lên xe, tôi nhìn biển và thấy cảm kích vì được đến một danh lam thắng cảnh của đất nước.

Tôi sẽ cố gắng học tốt để được bố mẹ cho đến đây một lần nữa, có thể thưởng thức không gian hùng vĩ. Hình ảnh bãi biển Vũng Tàu đẹp như tranh và đầy sức sống này sẽ mãi in sâu vào trái tim và tâm hồn tôi như một kỉ miệm đẹp và đáng nhớ trong kì nghỉ hè lớp Sáu. Hẹn gặp lại năm sau đấy, Vũng Tàu ơi!


Bài trước:

👉 Soạn bài Con chào mào sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Kể về một trải nghiệm của em sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm của em sgk Ngữ Văn 6 tập 1 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com