Soạn bài Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 8. Truyện lịch sử và tiểu thuyết. Nội dung bài Soạn bài Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


VIẾT

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí

1. Định hướng

1.1. Bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bài văn thường tập trung làm sáng tỏ nội dung và ý nghĩa của một nhận định, một ý kiến về tư tưởng, tình cảm hay quan niệm về lối sống, cách ứng xử,… Đề văn nghị luận về tư tưởng, đạo lí thường lấy một câu danh ngôn, tục ngữ, ca dao,… nào đó để nêu lên yêu cầu. Ví dụ:

Đề 1. Suy nghĩ về câu tục ngữ. “Chết trong còn hơn sống đục.”.

Đề 2. Suy nghĩ về câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.”.

1.2. Để viết bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, các em cần chú ý:

– Tìm hiểu kĩ nội dung, ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí được nêu trong đề.

– Trình bày rõ ý kiến (đồng tình hay phản đối) của người viết về tư tưởng, đạo lí ấy và lí giải vì sao.

– Tìm ý và lập dàn ý cho bài viết: Căn cứ vào đề bài để xác định cách tìm ý cho phù hợp (đặt câu hỏi hoặc suy luận)

– Sử dụng lí lẽ và bằng chứng phù hợp để làm rõ ý kiến, tăng sức thuyết phục cho bài viết


2. Thực hành

Bài tập trang 73 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

2.1. Thực hành viết theo các bước

Đề bài: Suy nghĩ về câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.”

a) Chuẩn bị

– Đọc kĩ và tìm hiểu đề bài để định hướng cho bài viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: tinh thần bất khuất, không chịu sống nô lệ.

+ Kiểu văn bản chính: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

+ Phạm vi bằng chứng cần huy động: bằng chứng thực tế; kiến thức lịch sử, địa lí và thơ văn liên quan.

– Xem lại định hướng viết bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

– Tìm hiểu nội dung, ý nghĩa câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Tim ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:

+ Câu nói của Trần Bình Trọng có ý nghĩa gì?

+ Câu nói thể hiện tư tưởng, đạo lí sống nào? Tại sao có thể nói như vậy?

+ Tư tưởng, đạo lí sống đó đã thể hiện như thế nào (trong cuộc sống, văn học, nghệ thuật, lịch sử…)?

+ Giá trị của tư tưởng, đạo lí sống vừa nêu là gì? Cần phê phán những biểu hiện ngược lại với tư tưởng, đạo lí sống trên như thế nào?

– Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

Mở bài Giới thiệu Trần Bình Trọng và câu nói bất hủ.
Thân bài Phát triển các ý làm rõ cho vấn đề nêu ở mở bài:

– Giải thích câu nói:

•  Câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.” có nghĩa là gì?

•  Tại sao “thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”?

– Chứng minh tính đúng đắn của câu nói:

• Các bằng chứng từ cuộc sống và lịch sử.

• Các bằng chứng từ thơ văn, nghệ thuật.

– Bình luận câu nói:

• Khẳng định ý nghĩa và giá trị của câu nói.

• Phê phán tư tưởng, đạo lí sống ngược lại.

Kết bài Khái quát lại các ý đã nêu và rút ra bài học cho thế hệ trẻ.

c) Viết

Dựa vào dàn ý đã làm để viết bài văn nghị luận về một tư tưởng, đạo lí. Trong khi viết, cần chú ý:

– Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

– Quan hệ giữa ý kiến, lí lẽ và bằng chứng trong bài nghị luận.

– Cách chuyển ý giữa các đoạn văn (câu chuyển đoạn).

Bài tham khảo:

Trần Bình Trọng – người góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược lần 2 (1285) và đã hy sinh vì tổ quốc. Tinh thần bất khuất, hiên ngang của ông được thể hiên mạnh mẽ, đầy đủ qua câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc…”. Đây là câu nói bất hủ của ông đươc mọi người dân Đại Việt nhớ mãi và nó cũng đã trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc. Tinh thần bất khuất của Trần Bình Trọng toát ra từ câu nói đó đã làm cho toàn quân dân nhà Trần nức lòng chiến đấu, đánh đuổi giặc Mông-Nguyên ra khỏi bờ cõi dành lại dộc lập bền vững cho non sông đất nước. Khí tiết và cái chết oanh liệt của Trần Bình Trọng đã thổi thêm ngọn lửa căm thù giặc vào toàn thể quân dân Đại Việt thời Trần, góp phần làm nên chiến thắng Mông-Nguyên vĩ đại trong lịch sử nước nhà. Ông mãi mãi là tấm gương soi sáng về tinh thần bất khuất trước mọi uy lực, không bị mua chuộc bởi vinh hoa phú quý, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì tổ quốc. Ý chí lớn lao đó đã được con cháu đời sau của Trần Bình Trọng noi theo, nổi bật hơn cả là Trần Khát – người đã đánh thắng binh lực hùng mạnh của Chiêm Thành dưới thời Chế Bồng Nga, giải cứu Thăng Long thoát khỏi những đợt tấn công của quân Chiêm Thành vào cuối thế kỷ XIV.

Tấm gương của Trần Bình Trong đã được ngợi ca trong tác phẩm“Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái như sau:

Trần Bình Trọng là tôi trung,
Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương”

Trần Bình Trọng là một trong những bậc anh hùng ưu tú, chói sáng trong trang sử vàng của lịch sử dân tộc. Hiện nay, để tưởng nhớ đến công lao to lớn ấy mà nhiều phong trào thanh niên được phát động noi theo tinh thần của tuổi trẻ Trần Bình Trọng, tinh thần của tuổi trẻ Đại Việtvà những bậc danh nhân ở những thời kỳ khác. Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống hào hùng, bất khuất trong đấu tranh bảo vệ đất nước: “có cái chết hóa thành bất tử, có những lời hơn mọi lời ca“ (trích “Hãy nhớ lấy lời tôi” của Tố Hữu ngợi ca tinh thần bất tử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi). Đúng như thế, Trần Bình Trọng vẫn sẽ sống cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, vẫn in dấu trong thơ ca văn học Việt Nam, đồng thời Trần Bình Trọng góp phần tô điểm cho non sông đất nước Việt Nam này một tươi đẹp hơn, rạng rỡ hơn, là tấm gương kiên cường, dũng cảm, gan dạ cho tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 28) và đối chiếu với dàn ý đề văn đã làm ở bài này.


2.2. Rèn luyện kĩ năng viết:

Quan hệ giữa vấn đề, ý kiến, lí lẽ và bằng chứng; câu chuyển đoạn trong bài nghị luận

a) Cách thức

– Để có sức thuyết phục, văn nghị luận đòi hỏi việc trình bày vấn đề, nêu ý kiến, lí lẽ và bằng chứng phải gắn bó chặt chẽ với nhau.

+ Vấn đề và ý kiến thường nêu khái quát ở phần mở bài; nhiều văn bản thường

nêu vấn đề ở nhan đề bài viết.

+ Vấn đề và ý kiến được làm sáng tỏ bằng các lí lẽ và bằng chứng theo cách: nêu các ý lớn, tập trung làm sáng tỏ cho vấn đề, ý kiến; mỗi ý lớn là một đoạn văn.

Đoạn 1 (ý 1)

Đoạn 2 (ý 2)

⇒ Làm rõ vấn đề, ý kiến

Mỗi đoạn văn gồm các lí lẽ và bằng chứng tập trung làm sáng tỏ cho ý lớn. Ví dụ:

– Đoạn 1 (ý 1)

+ Lí lẽ

+ Dẫn chứng: …

=⇒ Làm rõ ý 1

– Câu chuyển đoạn: Để bài văn liền mạch, gắn bó nội dung giữa các phần với nhau, khi viết, cần chú ý có các câu chuyển đoạn.

b) Bài tập

– Dựa vào dàn ý đã làm trong mục 2.1. Thực hành viết theo các bước, hãy lập sơ đồ quan hệ giữa các đoạn văn trong phần thân bài.

– Viết câu chuyển đoạn từ phần 1 (giải thích câu nói) sang phần 2 (chứng minh tính đúng đắn của câu nói).

Trả lời:

– Sơ đồ quan hệ giữa các đoạn văn trong phần thân bài:

– Câu chuyển đoạn: “Hiểu được ý nghĩa của câu nói của Trần bình Trọng ta càng thêm trân trọng những gì ông đã làm cho đất nước.”


BÀI VIẾT THAM KHẢO

Suy nghĩ về câu nói của danh tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc.

Trong lịch sử nước Việt ta còn ghi lại rất nhiều câu nói bất hủ của các bậc anh hùng dân tộc, làm rạng danh nước nhà. Một trong những câu nói bất hủ phải kể đến là lời mắng: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc” của danh tướng Trần Bình Trọng thời nhà Trần.

Trần Bình Trọng sinh năm Kỷ Mùi (1259), là người xã Bảo Thái (nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Ông vốn là hậu duệ của vua Lê Đại Hành. Do cha Trần Bình Trọng làm quan dưới triều Trần Thánh Tông lập được nhiều công trạng lớn, nên được nhà vua ân sủng ban cho quốc thích (cho mang theo họ vua). Bởi vậy, Trần Bình Trọng mới có họ Trần, thay vì mang họ Lê. Về chuyện này, sách Toàn thư, quyển V, kỷ Nhân Tông hoàng đế có đoạn viết: “Bình Trọng dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, do ông cha làm quan đời Trần Thái Tông, nên được cho quốc tính nhà họ Trần”.

Câu chuyện Trần Bình Trọng hy sinh oanh liệt sau lời mắng nhiếc lũ giặc ngoại xâm xảy ra dưới thời vua Trần Nhân Tông, trong cuộc chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2. Do sự chênh lệch quá lớn về quân số, mũi quân đánh chặn của Trần Bình Trọng thất bại, Trần Bình Trọng bị bắt sống. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch khi chúng hoàn toàn mất dấu vết nhà Trần sau trận đánh này.

Để moi móc thông tin, tướng giặc đã dùng mọi cách với Trần Bình Trọng, từ dọa dẫm tới mềm mỏng. Nhưng Trần Bình Trọng quyết không nói nửa lời. Cuối cùng, tướng giặc dụ dỗ sẽ xin phong vương nếu Trần Bình Trọng quy hàng, nhưng ông đã khẳng khái thét mắng vào mặt chúng: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Lời thét mắng ấy thể hiện rõ quan điểm khẳng định Đại Việt là một nước độc lập và có ý coi thường triều đình phương Bắc khi ông chỉ gọi nhà Nguyên Mông là “đất Bắc”. Lời thét mắng ấy của Trần Bình Trọng khiến quân giặc giận tím mặt. Chúng giết ông ngay tức khắc. Sử sách còn ghi lại thời điểm ấy là tháng Chạp năm Ất Dậu (1285). Năm ấy, Trần Bình Trọng mới có 26 tuổi. Câu nói của ông đã thể hiện tinh thần bất khuất và tấm lòng yêu nước to lớn của một vị chính nhân quân tử. Câu nói ấy đến ngày nay vẫn còn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, để học biết sống và cống hiến cho Tổ quốc.

Nhờ sự chiến đấu anh dũng và sự hy sinh oanh liệt, thà chết chứ không chịu làm lộ thông tin quân sự của triều đình, của Trần Bình Trọng, triều đình nhà Trần mới có thời gian và điều kiện để chuẩn bị lực lượng phản công. Sau đó chỉ vài tháng, quan quân nhà Trần đã dốc toàn lực phản công, đập tan quân Nguyên Mông. Nhiều tướng giặc bị chém đầu tại trận, trong đó có Toa Đô, Lý Hằng, Lý Quán. Riêng Thoát Hoan hoảng sợ phải chui vào ống đồng để tránh tên bắn, bắt quân lính khiêng chạy chối chết về nước.

Cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 thắng lợi ròn rã nhờ công đóng góp không nhỏ của Trần Bình Trọng. Bởi thế, khi xét công trạng, vua Nhân Tông đã truy phong ông là Bảo nghĩa vương.

Tưởng nhớ công ơn và cảm khí tiết của Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, ngày nay, tên của ông được đặt cho nhiều đường, phố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng ở Hà Nội, tên của Trần Bình Trọng được đặt cho tuyến phố nối từ phố Trần Hưng Đạo tới phố Trần Nhân Tông – hai nhân vật anh hùng cùng thời với Trần Bình Trọng gắn liền với chiến thắng vang dội trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, lần thứ 2 và lần thứ 3.


Suy nghĩ về câu tục ngữ. “Chết trong còn hơn sống đục.

Bài tham khảo 1:

Sự tự trọng là một trong những khía cạnh rất quan trọng mà con người đặc biệt là người Việt Nam, luôn quan tâm đến. Có lẽ chính vì vậy dân gian ta có nhiều câu tục ngữ khuyên ngăn đồng thời răn dạy chúng ta rằng mỗi người nên có cách sống đúng đắn, đồng thời tạo nhiều giá trị cho bản thân. Và câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” chính là một trong những câu nói mang ý nghĩa to lớn trong cuộc sống của người Việt Nam.

Theo nghĩa hàm ngôn của câu nói, “Chết trong còn hơn sống đục” khuyên ngăn con người sống đúng đắn hơn trong cuộc sống. Câu này cũng khuyên chúng ta sống vinh vẫn hơn sống nhục, và nhắc nhở mỗi người phải sống với đầu cao thượng trong cuộc sống, không cúi đầu trước ai. Mỗi người cần phải ý thức được hành động của mình có ảnh hưởng đến những người khác và tránh những việc không tốt. Câu tục ngữ này rất ngắn gọn, nhưng lại rất đúng đắn, như một lời răn dạy cho con người phải sống đúng với chuẩn mực đạo đức, hành xử đúng đắn trong cuộc sống.

Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” là một lời răn dạy phù hợp với mọi thời đại. Nó đã trở thành một tiêu chuẩn sống cho rất nhiều người. Câu tục ngữ này thúc đẩy con người cố gắng sống đúng đắn và phấn đấu hơn nữa trong cuộc sống. Cuộc sống đầy khó khăn, cạm bẫy khiến lòng tự trọng dễ bị suy thoái. Tuy nhiên, điều tốt và xấu chỉ cách nhau một chút và dễ dàng thay đổi. Do đó, chúng ta phải ý thức hành động của mình để đưa ra những quyết định đúng đắn. Bỏ qua cái tôi và cố gắng đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, từ đó giữ cho bản thân trong sạch. Hãy tin vào bản thân mình, hành động cần được suy nghĩ kỹ và tránh xa những cám dỗ của tiền bạc và quyền lực.

Có thể thấy rõ ràng rằng những câu tục ngữ truyền thống là đúng đắn và đã gợi cho con người suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống. Chúng ta cần phải tự quan sát và tự đánh giá bản thân trong các mối quan hệ xã hội, sống đúng đắn với chuẩn mực của xã hội và giá trị của cuộc sống.

Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” đã truyền tải giá trị lớn về cuộc sống. Nó là một bản chỉ dẫn quan trọng cho chúng ta, khuyến khích con người sống đúng đắn hơn trong cuộc sống của mình. Câu tục ngữ luôn đi đôi với những trải nghiệm từ thực tế và đưa ra nhiều bài học có giá trị, nhắc nhở chúng ta cần phải sống đúng với tiêu chuẩn mà xã hội đề ra.

Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều giá trị và ý nghĩa. Chúng ta nên sống trong sạch, đúng đắn với mọi người và thể hiện được bản chất của mình với cuộc sống. Điều này sẽ mang lại cho con người nhiều bài học có giá trị và ý nghĩa lớn nhất trong cuộc sống của họ.

Chúng ta cần phải luôn cố gắng học hỏi, tu dưỡng và rèn luyện bản thân mình. Chúng ta không nên bán rẻ lương tâm của mình vì lợi ích cá nhân. Điều này được thể hiện rõ qua các câu tục ngữ như “Chết vinh còn hơn sống nhục”.

Bài tham khảo 2:

Tục ngữ là kho tàng trí thức của nhân loại, gửi gắm nhiều bài học giá trị. Một trong số đó cần phải kể đến câu “Chết trong còn hơn sống đục”.

“Trong” và “đục” là hai từ trái nghĩa, chỉ trạng thái của sự vật. Nhưng khi đặt trong câu tục ngữ, lại mang ý nghĩa sâu sắc hơn. “Chết trong” là cái chết vinh quang, cao đẹp. Còn “sống đục” là sống hèn hạ, nhục nhã. Từ “còn hơn” ý muốn so sánh “chết trong” với “sống đục”. Chúng ta thà chết trong vinh quang, cao đẹp còn hơn và phải sống mãi trong nhục nhã, hổ thẹn.

Câu tục ngữ là một lời nhắn gửi đầy giá trị. Cuộc sống luôn tồn tại nhiều thử thách, đặt con người vào hoàn cảnh phải lựa chọn. Để giữ mình trong sạch, tránh xa cám dỗ, chúng ta cần phải có được lòng kiên định, ý thức được giá trị của bản thân và giữ gìn được nhân cách cao đẹp.

Có thể kể đến một nhân vật lịch sử là Trần Bình Trọng với câu nói nổi tiếng: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Rõ ràng, ông là một con người có nhân cách cao đẹp, sống hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hay trong ha i cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhiều người cộng sản yêu nước đã bị kẻ thù bắt giam, tra tấn khủng khiếp để ép khai ra những cơ mật. Đứng trước ranh giới giữa cái chết và sự sống, họ đón nhận lấy cái chết như một lẽ tự nhiên, để bảo toàn danh dự cá nhân. Dù vậy, vẫn còn một bộ phận nhỏ, họ sống một cách hèn nhát, lựa chọn bán nước để cầu vinh. Điều này thật đáng lên án!

Đối với học sinh – thế hệ trẻ cũng là tương lai của đất nước, chúng ta cần tích cực học tập, rèn luyện nhân cách. Dù đứng trước cám dỗ, hãy luôn biết sống sao cho cảm thấy thanh thản, tự hào.

Tóm lại, câu tục ngữ “Cây ngay không sợ chết đứng” tuy ngắn gọn nhưng là một lời khuyên vô cùng giá trị. Chúng ta hãy tích cực rèn luyện bản thân, sống ngay thẳng để trở thành những người có ích cho xã hội.

Bài tham khảo 3:

Lòng tự trọng là điều mà con người cần có. Bởi vậy, ông cha ta đã có câu: “Chết trong còn hơn sống đục”.

Câu tục ngữ mang ý nghĩa to lớn, khuyên ngăn con người nên sống đúng đắn hơn trong cuộc sống. Chúng ta thà chết trong vinh quang, cao đẹp còn hơn phải sống nhục nhã, hèn hạ.

Trong cuộc sống, con người không chỉ cần có học vấn uyên bác, mà phải có đạo đức, nhân cách tốt đẹp. Một trong những phẩm chất tốt đẹp mà con người cần phải có là ngay thẳng, chính trực. Khi làm sai, cần phải biết thừa nhận lỗi lầm để sửa chữa. Chúng ta không nên dùng những lời nói dối để che đậy sai lầm của mình, bởi như vậy sẽ càng làm cho bản thân trở nên xấu hơn. Con người cần phải sống thật với bản thân, với gia đình, với mỗi người xung quanh thì mới cảm thấy hạnh phúc và thanh thản.

Con người quý trọng nhất là ở nhân cách cao đẹp. Để khi gặp phải những lời lẽ xấu xa, hay bị đổ oan sẽ không cảm thấy hổ thẹn. Con người biết giữ gìn phẩm chất trong sạch sẽ nhận được sự kính trọng, yêu mến của mọi người xung quanh. Chúng ta cũng không cảm thấy cuộc sống lãng phí. Ngay cả khi mất đi, người đó cũng sẽ để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Câu tục ngữ “Chết trong còn hơn sống đục” tuy ngắn gọn nhưng thật giàu giá trị đối với mỗi người.


Bài trước:

👉 Soạn bài Bên bờ Thiên Mạc sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Nghe và tóm tắt nội dung thuyết trình về một nhân vật lịch sử hoặc tác phẩm văn học sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com