Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 6. Truyện. Nội dung bài Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


VIẾT

Phân tích một tác phẩm truyện

1. Định hướng

1.1. Phân tích một tác phẩm truyện là kiểu bài nghị luận văn học mà trong đó, người viết dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ một số đặc điểm về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Bài viết phải nêu được chủ đề; dẫn ra và phân tích được tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm; từ đó, nêu lên nhận xét, đánh giá về những nét đặc sắc này.

1.2. Để viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện, cần chú ý:

– Việc phân tích và nhận xét, đánh giá về truyện phải bám sát nội dung, hình thức của tác phẩm.

– Trước khi viết, cần tìm ý và lập dàn ý. Căn cứ vào đề bài để xác định cách tìm ý cho phù hợp (đặt câu hỏi hoặc suy luận)

– Các nhận xét, đánh giá trong bài văn về tác phẩm truyện, đặc biệt là các nét đặc sắc nghệ thuật, phải rõ ràng, đúng đắn, có lí lẽ và bằng chứng thuyết phục. Nên kết hợp nêu các yếu tố cần phân tích với việc phát biểu những nhận xét, cảm nghĩ của bản thân về yếu tố ấy.

– Bài văn phân tích tác phẩm truyện cần có bố cục mạch lạc, lời văn chuẩn xác, gợi cảm.


2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập trang 27 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Đề bài: Phân tích truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao.

a) Chuẩn bị

– Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Lão Hạc của Nam Cao.

– Nắm vững các thông tin liên quan (thể loại, chủ đề, các nhân vật cần chú ý và các nét đặc sắc nghệ thuật của truyện).

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi:

+ Cốt truyện tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao có gì đặc sắc?

+ Chủ đề của truyện là gì? Ấn tượng chung của em sau khi đọc văn bản như thế nào?

+ Nhân vật nào cần chú ý phân tích?

+ Nét đặc sắc và tác dụng của một số yếu tố hình thức trong truyện là gì?

+ Có thể rút ra những bài học nào từ văn bản truyện?

+ Với em, điều gì sâu sắc và đáng nhớ nhất sau khi đọc truyện?

–  Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

Mở bài Giới thiệu nhan đề, tác giả, thể loại và nhận xét chung về tác phẩm.
Thân bài Nêu chủ đề và phân tích các biểu hiện làm rõ chủ đề của tác phẩm:

– Phân tích nhan đề và đặc sắc của cốt truyện trong việc làm sáng tỏ chủ đề.

– Phân tích các nhân vật nhằm làm rõ chủ đề của truyện.

+ Nhân vật lão Hạc (các chi tiết về hoàn cảnh, hành động, việc làm, cử chỉ, lời nói…) trong mối quan hệ với các nhân vật khác: con trai, ông giáo, “cậu Vàng”,…

+ Nhân vật ông giáo (Ông giáo là người thế nào, những chi tiết nào thể hiện điều đó?…)

– Phân tích tác dụng của các nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện: nghệ thuật khắc họa đặc điểm tính cách nhân vật, bút pháp miêu tả (ngoại hình và nội tâm), lựa chọn chi tiết giàu ý nghĩa, lời văn giản dị, tự nhiên,…

Kết bài Nhận xét khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện. Nêu tác động của truyện đối với cá nhân người viết bài.

c) Viết

– Dựa vào dàn ý đã làm để luyện tập kĩ năng viết bài.

– Lần lượt phân tích các yếu tố đặc sắc của truyện theo trình tự hợp lí. Với mỗi yếu tố, cần chú ý điểm nổi bật, bằng chứng kèm theo và tác dụng của chúng.

– Trong khi phân tích, chú ý tạo điểm nhấn cho yếu tố hình thức được phân tích bằng những đánh giá, nhận xét xác đáng, tinh tế.

Bài viết tham khảo:

Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.

Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.

Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.

Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.

Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.

Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.

Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.

Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với những yêu cầu đã nêu ở các bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để kiểm tra và chỉnh sửa theo hướng dẫn sau:

Phương diện kiểm tra Câu hỏi kiểm tra
Nội dung – Mở bài: Đã giới thiệu khái quát nội dung bài viết chưa? (Ở bài viết này là phân tích truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao).

– Thân bài:

+ Có nêu được các nội dung cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát đã nêu ở mở bài không? (Ở bài viết này là phân tích nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn Lão Hạc).

+ Nội dung cụ thể có sinh động, đặc sắc, giàu sức thuyết phục không?

+ Đã kết hợp được các phương thức biểu đạt khác trong khi viết hay chưa?

+ Có nêu được những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc không?

– Kết bài: Đã khái quát được nội dung bài viết chưa? (Ở bài viết này là giá trị nội dung, nghệ thuật và thông điệp của truyện ngắn Lão Hạc).

Hình thức – Bài viết đã có đủ ba phần chưa? Nội dung (độ dài) các phần có cản đối không?

– Bài viết đã đủ ý chưa? Các ý có phù hợp với vấn đề nghị luận và luận điểm không? Có những ý nào trùng lập nhau không?

– Bài viết có mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả…. không?

Đánh giá chung – Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

– Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?


2.2. Rèn luyện kĩ năng phân tích tác dụng của yếu tố hình thức truyện

a) Cách thức

Hiểu một tác phẩm truyện không phải chỉ hiểu nội dung như chủ đề, tình cảm, thái độ của nhà văn… mà cần nhận biết và hiểu được các yếu tố hình thức và tác dụng của chúng trong việc biểu đạt nội dung. Các yếu tố hình thức của truyện thường được chú ý phân tích là nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện, ngôi kể, tình tiết, lời văn,…

b) Bài tập

Viết đoạn văn phân tích tác dụng của cách kết thúc truyện Lão Hạc (Nam Cao).

Trả lời:

Một trong những chi tiết để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc chính là cái chết của Lão Hạc. Nam Cao đã sử dụng hàng loạt các tính từ, động từ mạnh giúp người đọc hình dung một cách chi tiết về cái chết thảm khốc đó: “ Lão đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọp mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật giật một cái, nảy lên. hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. cái chết thật dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy…”. Vậy tại sao lão Hạc phải chết? Thực ra, lão Hạc là người rất muốn sống và ham sống. Lão đã làm mọi cách để có thể tồn tại trên cõi đời này. Nhưng lão phải chọn cái chết bởi đó là giải pháp duy nhất để giữ được bản chất lương thiện của mình. Lão chết để bảo toàn căn nhà, bảo toàn mảnh vườn mà bao năm qua hai vợ chồng lão đx vất vả kiếm được. Hơn thế nữa, lão không muốn ăn lạm vảo số tiền bòn vườn mà lão đã dành dụm để cho con cưới vợ. Đồng thời, lão Hạc không muốn làm phiền đến bà con hàng xóm. Cái chết của lão thể hiện lòng thương con âm thầm nhưng lớn lao, lòng tự trọng đáng quý của lão. Cái chết đó là sự giải thoát của lão Hạc là sự tự giải thoát trước cuộc sống ngột ngạt của xã hội phong kiến. Lão Hạc chọn cái chết như con chó. Cảnh lão Hạc chết có những nét tương đồng với với cảnh thằng Mục và thàng Xiên bắt cậu Vàng. Đó là lời tạ lỗi chân thành và sâu sắc nhất với câu Vàng. Qua cái chết đó, nam cao muốn thể hiện niềm tin vào người nông dân: dù có chết, họ vẫn luôn giữ bản chất lương thiện, lòng thương con và sự tự trọng của mình. đồng thời nó cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo của tác giả được thể hiện trong tác phẩm.


BÀI VIẾT THAM KHẢO

Phân tích truyện ngắn Lão Hạc

Bài tham khảo 1:

Nam Cao là một trong những cây bút hiện thực xuất sắc nhất của văn học hiện thực trước cách mạng. Các tác phẩm của ông sáng tác trên hai đề tài lớn là người trí thức và người nông dân, nhưng thành công hơn cả là khi ông viết về đề tài người nông dân. Viết về người nông dân, nhà văn có khuynh hướng khám phá, phát hiện những vẻ đẹp phẩm chất ẩn sâu trong con người họ. Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm như vậy.

Trước hết về nhân vật lão Hạc, lão có số phận bi thảm nhưng ẩn sau đó là những phẩm chất cao đẹp, đại diện cho người nông dân. Số phận lão Hạc cũng là số phận chung của biết bao người nông dân trước cách mạng. Vợ lão chết sớm, lão ở vậy gà trống nuôi con. Đứa con lớn lên vì không lấy được người mình yêu nên phẫn chí bỏ nhà ra đi. Lão ở vậy một mình với cậu Vàng – kỉ vật người con trai để lại. Nhưng cuộc đời lão càng ngày lại càng bi đát hơn, lão bị ốm, lão tiêu tốn nhiều tiền dành dụm cho con, bởi vậy lão đành bán cậu Vàng – người bạn đã ở bên giúp lão vơi bớt nỗi buồn khi phải xa con. Khi bán cậu Vàng lão vô cùng đau đớn, ân hận. Nỗi ân hận đó được thể hiện qua đoạn văn miêu tả đặc sắc: cười như mếu, đôi mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít, hu hu khóc. Tình cảnh của lão thật đáng thương, lão luôn sống trong sự day dứt, dằn vặt bản thân.

Nhưng ẩn đằng đó chính là những phẩm chất cao đẹp của người nông dân lương thiện. Lão là một người giàu tình yêu thương, tình yêu thương đó được thể hiện ngay cả với một con vật: lão gọi chó là cậu Vàng, gọi nịnh như gọi một đứa trẻ, ông chăm sóc cậu Vàng chu đáo: cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu, không chỉ vậy ông còn trò chuyện, mắng yêu cậu vàng, cậu Vàng làm lão bớt cô đơn, vơi đi nỗi nhớ con. Tình cảm sâu nặng của ông với cậu Vàng có nguồn gốc sâu xa từ tình yêu thương con của lão Hạc, con chó là kỉ vật thiêng liêng mà người con để lại cho ông trước khi đi đến đồn điền cao su.

Tình phụ tử ở lão Hạc cũng vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Vì cảnh nghèo không cưới được vợ cho con, lão vô cùng đau đớn, bởi vậy bao nhiêu tiền của làm được lão đều dành dụm cho con, lão chịu kham khổ, để người đời chửi mắng chứ nhất định không chịu tiêu lạm vào tiền của con. Sau khi bị bệnh nặng, lão chỉ ăn khoai, hết khoai lão ăn củ chuối, rồi ăn sung luộc, rau má, củ ráy, nghĩa là vớ được thứ gì lão ăn thứ ấy,… Và cuối cùng lão lo lắng sẽ tiêu hết tiền cho con nên lão đành chọn cái chết để bảo toàn tài sản cho con trai mình. Cái chết đau đớn của lão Hạc xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà lớn lao.

Mặc dù nghèo khổ nhưng lão luôn giữ lòng tự trọng. Lão không nhận bất cứ sự giúp đỡ của ai, ngay cả khi ông giáo đề nghị giúp, lão từ chối một cách hách dịch, bởi lão hiểu hoàn cảnh gia đình ông giáo cũng nghèo túng chẳng khác gì gia đình mình. Lòng tự trọng đó còn được thể hiện trong cách thức tìm đến cái chết của ông. Trước khi chết ông để lại tiền nhờ bà con lo ma chay, không muốn phiền hà đến hàng xóm. Lão chết bằng cách ăn bả chó, cái chết đau đớn, dữ dội như một lời tạ tội với cậu Vàng. Cái chết của lão Hạc chính là sự khẳng định cho sức sống bất diệt của nhân cách trong ông.

Ngoài nhân vật lão Hạc trong tác phẩm ta còn thấy nổi bật lên hình ảnh của một ông giáo nghèo, người bạn thân thiết của lão Hạc. Ông giáo có sự đồng cảm sâu sắc với cảnh ngộ đáng thương của lão Hạc: an ủi, động viên khi lão bán chó, chia sẻ nỗi buồn với lão Hạc, luôn tìm mọi cách làm cho lão khuây khỏa, lạc quan. Ông còn là người am hiểu tường tận nhất vẻ đẹp nhân cách của lão hạc: “Không cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”. Nghĩa khác ấy chính là con người có nhân cách cao đẹp nhưng lại phải chết vật vã, đau đớn và cái chết ấy lại càng làm sáng hơn nhân cách cao đẹp của lão.

Nghệ thuật kể chuyện xuất sắc: câu chuyện được kể bởi nhân vật tôi (ông giáo) người luôn bên cạnh lão Hạc, bởi vậy khiến câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi, ngoài ra khiến mạch kể trở nên tự nhiên, linh hoạt, tạo điều kiện kết hợp tả, kể với bình luận một cách tự nhiên, sinh động. Giọng văn đa dạng, thay đổi linh hoạt. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hợp lí, những bước ngoặt của truyện giúp bộc lộ rõ tính cách, phẩm chất của nhân vật. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn của văn bản: nhân vật được khắc họa qua diện mạo, ngôn ngữ đối thoại, diễn biến tâm trạng và qua lời nhận xét, bình luận của các nhân vật khác, bởi vậy chân dung nhân vật hiện lên chân thực, sinh động hơn.

Với nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, ngôn ngữ giản dị, lôi cuốn Nam Cao đã cho người đọc thấy chân dung số phận bất hạnh của người nông dân trước cách mạng, họ bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết. Nhưng đằng sau đó còn là chân dung tinh thần đẹp đẽ: giàu tình yêu thương và nhân cách cao đẹp.

Bài tham khảo 2:

Nam Cao (1915 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông được đánh giá là nhà văn hiện thực xuất sắc trước cách mạng, là bậc thầy của truyện ngắn Việt Nam. Hình ảnh nông thôn bùn lầy nước đọng, tiêu điều xơ xác vì đói khổ hiện lên thường xuyên trong tác phẩm của ông như một nỗi ám ảnh không nguôi. Nam Cao viết nhiều về nạn đói. Cái đói ảnh hưởng không ít tới nhân cách nhưng trong cảnh đói khát thê thảm, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nghèo vẫn tồn tại và âm thầm tỏa sáng. Một trong những tác phẩm thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao là truyện ngắn Lão Hạc. Nhân vật chính là một lão nông nghèo khổ, cuộc đời gặp nhiều bất hạnh. Tuy vậy, lão vẫn giữ được bản chất thật thà, đôn hậu, tình thương yêu con tha thiết, đức hi sinh cao cả và lòng tự trọng đáng kính phục.

Qua nhân vật này, Nam Cao giúp người đọc thấy rõ tình cảnh khốn cùng và số phận đáng thương của nông dân Việt Nam trong chế độ thực dân phong kiến tàn ác đương thời.

Nhân vật đứng ra kể chuyện là ông giáo, người hàng xóm thân thiết của lão Hạc. Nhờ vậy mà câu chuyện trở nên gần gũi, chân thực. Tác giả dẫn dắt người đọc vào cuộc, cùng sống, cùng chia sẻ vui buồn với nhân vật. Do đó mà người đọc có cảm giác như mình đang được chứng kiến tận mắt diễn biến của câu chuyện bi thảm này.

Tác giả kết hợp giữa kể với tả, đan xen hiện tại và quá khứ, hiện thực với trữ tình. Giọng kể biến đổi linh hoạt tuỳ theo tình huống. Cảm xúc phần lớn được thể hiện gián tiếp suốt chiều dài truyện nhưng cũng có lúc bộc lộ trực tiếp qua những câu cảm thán đầy xót xa, ái ngại, ẩn chứa triết lí sâu sắc về cuộc sống, về thân phận con người.

Gia cảnh của lão Hạc thật đáng buồn, vợ lão mất sớm, đứa con trai duy nhất lại phẫn chí bỏ vào Nam làm phu đồn điền cao su, biền biệt một năm nay chẳng tin tức gì. Lão Hạc dồn tất cả tình yêu thương cho con. Lão sẽ sung sướng biết bao nếu con trai lão được hạnh phúc, nhưng con trai lão đã bị phụ tình chỉ vì quá nghèo.

Thương con, lão thấu hiểu nỗi đau đớn của con. Con trai lão đã vâng lời bố, không bán mảnh vườn để lấy tiền cưới vợ mà chấp nhận sự tan vỡ của tình yêu. Càng thương con, lão càng xót xa đau đớn vì đã không giúp được con thoả nguyện. Lão Hạc mỏi mòn chờ con về, ngày ngày quanh quẩn làm thuê, làm mướn kiếm ăn. Dù đói, lão nhất quyết giữ mảnh vườn và không ăn vào số tiền dành dụm cho con. Sau trận ốm kéo dài, lão thấy người yếu đi ghê lắm. số tiền tích cóp bấy lâu nay đã cạn kiệt. Rồi trận bão vừa qua đã phá sạch sành sanh hoa màu trong vườn. Giá gạo thì cứ cao mãi lên mà lão Hạc thì chẳng còn được ai thuê mướn. Thế là lão lặng lẽ đi đến một quyết định quan trọng. Sau khi dằn lòng bán con chó Vàng thân thiết, lão sang nhờ cậy ông giáo một việc…Trước tiên, lão kể chuyện bán con chó Vàng cho ông giáo nghe.

Lão Hạc rất quý con chó vì nó là ki vật duy nhất của đứa con trai. Lão trìu mến gọi nó là cậu Vàng và cho nó ăn cơm bằng chiếc bát lành lặn. Với lão, con Vàng là bầu bạn sớm hôm. Mỗi lần nhớ con trai, lão lại thì thầm trò chuyện với nó cho khuây khỏa. Vì gắn bó như thế nên đã mấy lần định bán con Vàng mà lão vẫn không bán nổi.

Cuối cùng, cũng vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Lão nghèo túng quá ! Đến Cơm cũng chẳng có mà ăn, lấy gì để nuôi cậu Vàng? Lão không muốn tiêu phạm vào những đồng tiền ít ỏi mà lão để dành cho con trai từ việc bán hoa lợi thu được từ mảnh vườn ba sào bé tí.

Lão Hạc tính đi tính lại và đành bán cậu Vàng để khỏi tốn kém, nhưng lòng lão thì đau đớn, xót xa. Lão đã kể cho ông giáo nghe cảnh bán cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão đau khổ, dằn vặt, cứ tự trách mình vì cảm thấy mình có lỗi: già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó. Cả đời, ông lão nhân hậu ngày nào đã nỡ lừa ai! Thái độ và cử chi của lão Hạc mới đáng thương làm sao: Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước… Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc… Nỗi khổ tâm của lão cứ chồng chất mãi. Trước đây, chỉ vì nghèo mà lão không cưới được vợ cho con thì bây giờ cũng chi vì nghèo mà lão phải buộc lòng cư xử không đàng hoàng với một con chó.

Nhưng không chi có vậy. Qua từng trang truyện, chúng ta còn hiểu thêm về một lão Hạc đôn hậu, chất phác. Suốt đời lão sống quanh quẩn trong lũy tre làng nên những suy nghĩ, tính toán của lão rất đơn giản, thật thà. Lão tìm đến ông giáo để chia sẻ tâm sự và quan trọng hơn là tìm một chỗ dựa tinh thần:

… Và lão kể. Lão kể nhỏ nhẻ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở cái làng này; tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lí luận, người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ tôi cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão; lão viết văn tự nhượng lại cho tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên tôi cũng được, để thế để tôi trông coi cho nó… Việc thứ hai: lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào, con không có nhà, lỡ chết không ai đứng ra lo cho được ; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt; lão còn được hăm nhăm đổng bạc với năm đồng bạc vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi tôi, để lỡ có chết thì tôi đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả…

Nghe những lời tâm sự của lão Hạc, không ai có thể kìm nổi xót thương, thông cảm và khâm phục một con người bất hạnh vì nghèo đói nhưng không hề nghĩ đến mình mà dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con trai duy nhất.Lão đã chuẩn bị kĩ lưỡng mọi việc. Trước khi chết, lão nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn và gửi ông giáo ba mươi đồng để lo chôn cất. Lão không muốn làng xóm phải tốn kém vì lão. Rất có thể vì tốn kém mà người ta lại chẳng oán trách lão sao? Không để phiền lụy đến mọi người, đó cũng là một cách giữ gìn phẩm giá. ông lão bề ngoài có vẻ gàn dở nhưng bên trong lại có phẩm chất đáng quý nhường nào!

Xét về tuổi tác, lão Hạc còn có thể sống lâu, nhưng lão chỉ còn vẻn vẹn ba mươi đồng bạc, nếu tiếp tục sống thì phải ăn vào chút vốn liếng ít ỏi, cho nên lão đã chọn cái chết để bảo toàn căn nhà và mảnh vườn cho con trai. Cái chết tự nguyện này xuất phát từ lòng thương con âm thầm mà sâu nặng, từ lòng tự trọng đáng kính của lão Hạc.

Lão Hạc trò chuyện với ông giáo bằng giọng lễ phép, cung kính có phần quá mức. Đó là cách bày tỏ thái độ kính trọng đối với người hiểu biết và nhiều chữ:

Đã đành rằng thế, nhưng tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao ?… Tôi cắn rơm, cắn cỏ tôi lạy ông giáo! ồng giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì ông giáo cứ cho tôi gửi.

Cảnh ngộ đã đến lúc bế tắc, nhưng lão vẫn giữ nếp sống trong sạch, tránh xa lối đói ăn vụng, túng làm càn:

Luôn mấy hôm tôi thấy lão Hạc chi ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết Bắt đầu từ đấy, lão chế được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì rau má, với thỉnh thoảng một vài củ rảy hay bữa trai, bữa ốc. Khi ông giáo kể cho vợ nghe tình cảnh đáng thương của lão Hạc thì bà gạt phắt đi:

– Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm khổ lão chứ ai làm lão khổ! Nhà mình sung sướng gì mà giúp lão? Chính con mình cũng đói…Bất lực, ông giáo chỉ biết ngậm ngùi than thở: Chao ôi Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thương…

Đây là triết lí thấm đượm cảm xúc xót xa chân thành của Nam Cao trước những số phận bất hạnh trong cuộc đời. Nam Cao khẳng định một thái độ sống, một cách ứng xử nhân đạo: cần phải quan tâm, suy nghĩ đúng đắn về những con người sống quanh mình, nhìn nhận và đánh giá họ bằng sự đồng cảm, bằng đôi ,mắt của tình thương, vấn đề này đã trở thành chủ đề sâu sắc trong một truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Ông cho rằng con người chỉ xứng đáng với danh nghĩa con người khi biết đồng cảm, trân trọng, nâng niu những điều đáng thương, đáng quý ở người khác.

Cái chết bi thảm của lão Hạc là biểu hiện cao nhất của đức hi sinh. Chính vì thương con, muốn giữ cho con chút vốn giúp nó thoát cảnh đói nghèo mà lão Hạc đã chọn cho mình cái chết. Đó là một sự lựa chọn tự nguyện và dữ dội, đầy bi kịch.

Tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão Hạc đến việc coi cái chết như một hành động giải thoát. Chi tiết này phản ánh số phận bi thảm, bế tắc của nông dân nghèo trong xã hội thực dân phong kiến đầy áp bức bất công.

Thực ra, lão Hạc âm thầm chuẩn bị cho cái chết của mình từ sau khi bán cậu Vàng. Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc hôm qua sang xin bả chó, ông giáo trố to đôi mắt, ngạc nhiên: Hỡi ơi lão Hạc!… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư ? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn.

Đây là một chi tiết nghệ thuật quan trọng có tác dụng đánh lạc hướng để gây bất ngờ, đảo ngược những ý nghĩ tốt đẹp về lão Hạc của ông giáo và mọi người. Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn vì nó đã đẩy con người lương thiện như lão Hạc vào cảnh dám làm liều như ai hết. Nghĩa là con người vốn nhân hậu, giàu lòng tự trọng đến thế mà giờ đây cũng bị tha hoá bởi miếng ăn. Câu nói mập mờ đầy mỉa mai của Binh Tư đã đẩy tình huống truyện lên đến đỉnh điểm: Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó… Lão bảo có con chó nhà nào cứ đến vườn nhà lão… Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.

Chứng kiến cái chết vật vã đau đớn vì ăn bả chó của lão Hạc; mọi nghi ngờ trong lòng ông giáo tan biến : Không ! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác.

Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn bởi còn cỏ những con người trong sạch như lão Hạc, nhưng lại đáng buồn ở chỗ những con người có nhân cách cao đẹp như lão Hạc mà lại không được sống. Tại sao ông lão đáng thương, đáng kính như vậy mà phải chịu cái chết bi thảm đến thế này?!

Người đọc không khỏi băn khoăn về cách chọn cái chết của lão Hạc là tự tử bằng bả chó. Sao lão không chọn cái chết lặng lẽ, êm dịu hơn? Ông lão nhân hậu trung thực này suốt đời chưa đánh lừa một ai. Lần đầu tiên trong đời lão bắt buộc phải lừa một con chó vô tội – người bạn thân thiết của mình. Dường như cách lựa chọn này chứa đựng ý muốn tự trừng phạt. Nó càng chứng tỏ đức tính trung thực, lòng tự trọng đáng kính phục của lão Hạc. Vì thế cái chết dữ dội này càng gây ấn tượng mạnh ở người đọc.

Cái chết vật vã, đau đớn của lão Hạc được Nam Cao miêu tả với lòng xót thương vô hạn: Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư là hiểu.

Nhà văn Nam Cao đã giúp chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm, bất hạnh vì nghèo đói cùng những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Từ những trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những con người nghèo khổ mà trong sạch với một tình cảm xót thương và trân trọng.


Bài trước:

👉 Soạn bài Người thầy đầu tiên sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com