Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 6. Truyện. Nội dung bài Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 8, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


NÓI VÀ NGHE

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội

1. Định hướng

1.1. Ở Bài 1 trong sách Ngữ văn 8, tập một, các em đã được rèn luyện cách trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội, Bài 6 tiếp tục rèn luyện kĩ năng này. Có rất nhiều vấn đề xã hội cần trao đổi, tuy nhiên, bài học này chỉ nêu lên một số vấn đề phù hợp với học sinh lớp 8 và gắn với nội dung các văn bản ở phần Đọc hiểu.

– Một số vấn đề xã hội trong cuộc sống:

+ Ngưỡng mộ và mê muội thần tượng

+ Học sinh cấp Trung học cơ sở sử dụng xe gắn máy phân khối lớn đến trường

+ Cần biết lựa chọn sách để đọc

– Một số vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học:

+ Giá trị của tình cha con được gợi ra sau khi học truyện Lão Hạc (Nam Cao)

+ Thái độ cần có của người lớn đối với ước mơ của trẻ em được rút ra sau khi đọc văn bản Trong mắt trẻ (Ê-xu-pe-ri)

+ Suy nghĩ về quê hương, mái trường và người thầy sau khi đọc đoạn trích Người thầy đầu tiên (Ai-ma-tốp).

1.2. Để trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội, các em cần dự kiến một số nội dung theo bảng sau:

Những điểm cần lưu ý Yêu cầu cụ thể
Bối cảnh trình bày Không gian, thời gian
Xác định vấn đề trình bày Đề tài
Đối tượng người nghe Thầy cô, bạn bè, người thân trong gia đình
Mục đích Nêu ý kiến, thuyết phục người nghe
Phương tiện hỗ trợ Máy móc thiết bị, tranh, ảnh, video clip, sơ đồ, bảng biểu
Nội dung Mở đầu: Nêu vấn đề và lí do chọn vấn đề
Nội dung chính:

– Trình tự các luận điểm

– Lí lẽ tương ứng với từng luận điểm

– Bằng chứng tương ứng với từng luận điểm

Kết thúc:

– Khái quát ý nghĩa vấn đề đã trình bày

– Một số đề xuất, kiến nghị (nếu có)

Cách thức và thái độ khi nói Hướng về người nghe, kết hợp lời nói và cử chỉ, động tác…; giọng điệu và âm lượng phù hợp.

2. Thực hành

Bài tập trang 30 Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Chọn một trong hai đề bài sau:

(1) Suy nghĩ của em về ý kiến: “Cần biết lựa chọn sách để đọc”

(2) Suy nghĩ của em về thái độ cần có của người lớn đối với ước mơ của trẻ em sau khi đọc văn bản “Trong mắt trẻ” (trích “Hoàng tử bé” – Ê-xu-pe-ri)

a) Chuẩn bị (với đề 2)

– Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Trong mắt trẻ của Ê-xu-pe-ri.

– Xác định đối tượng nghe, bối cảnh trình bày để chuẩn bị nội dung phù hợp.

– Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video… và máy chiếu, màn hình (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài trình bày bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi: + Đoạn trích Trong mắt trẻ kể lại chuyện gì?

+ Nội dung đoạn trích đặt ra vấn đề gì?

+ Ước mơ của trẻ em có đặc điểm gì?

+ Thái độ của người lớn đối với ước mơ của trẻ em có thể khác nhau thế nào? Biểu hiện cụ thể ra sao?

+ Theo em, cần ủng hộ và phê phán những thái độ nào? Vì sao?

+ Em sẽ làm gì để thuyết phục người lớn có thái độ tích cực với ước mơ của trẻ em?

– Lập dàn ý bằng cách sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

Mở bài Nêu vấn đề cần trình bày: Người lớn cần hiểu và tôn trọng ước mơ của trẻ em. Đó là vấn đề được đặt ra trong đoạn trích Trong mắt trẻ của Ê-xu-pe-ri.
Thân bài Lần lượt trình bày các nội dung đã chuẩn bị:

– Nội dung văn bản Trong mắt trẻ và vấn đề ước mơ của trẻ em.

– Đặc điểm ước mơ của trẻ em.

– Những thái độ khác nhau của người lớn đối với ước mơ của trẻ em.

– Suy nghĩ của em về từng thái độ trên (nêu ý kiến, giải thích lí do ủng hộ hoặc phản đối).

Kết bài Khái quát ý nghĩa vấn đề: Mỗi lứa tuổi có cách nhìn, cách nghĩ khác nhau; người lớn cần thấu hiểu và cảm thông với những suy nghĩ, hành động và ước mơ của trẻ em.

c) Nói và nghe

Hoạt động nói và nghe cần đảm bảo các yêu cầu sau:

Người nói Người nghe
– Nội dung trình bày:

+ Vấn để trình bày được nêu rõ ràng, cụ thể.

+ Nội dung phong phú, có trọng tâm, được trình bày lô gích; lí lẽ và bằng chứng làm nổi bật được vấn đề.

– Hình thức trình bày:

+ Bài trình bày có bố cục rõ ràng.

+ Các nội dung minh hoạ có chất lượng.

+ Sử dụng phương tiện hỗ trợ phù hợp.

+ Có sự sáng tạo, tạo được điểm nhấn cho nội dung trình bày.

– Tác phong, thái độ trình bày:

+ Phong thái tự tin, tôn trọng người nghe, sử dụng ngôn ngữ cơ thể sinh động, phù hợp.

+ Nói trôi chảy, mạch lạc, không bị ngắt quãng hoặc không có những từ ngữ chêm xen quá nhiều.

+ Tốc độ nói vừa phải, có nhấn giọng ở những nội dung quan trọng.

+ Nội dung giải đáp thắc mắc cụ thể, ngắn gọn, thoả đáng.

+ Bảo đảm yêu cầu về thời gian trình bày.

– Lắng nghe, xác định và ghi lại các thông tin chính của bài trình bày; những nội dung cần hỏi lại.

– Thể hiện thái độ chú ý lắng nghe; sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

– Hỏi lại những điểm chưa rõ (nếu cần); có thể trao đổi thêm quan điểm cá nhân về nội dung của bài trình bày.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa:

Người nói Người nghe
– Lắng nghe nhận xét của thầy cô, bạn bè,… về bài trình bày.

– Rút kinh nghiệm về việc lựa chọn vấn đề trình bày, quá trình chuẩn bị, nội dung, cách thức và thái độ trình bày,…

– Tự đánh giá:

+ Trong bài trình bày của mình, em hài lòng về những điểm nào (nội dung, hình thức, thái độ)?

+ Điều em muốn thay đổi trong bài trình bày đó là gì?

– Kiểm tra việc nghe và ghi chép các nội dung thông tin (Đã chính xác chưa, thu hoạch được những gì?,…)

– Nêu nhận xét về nội dung, hình thức bài trình bày.

– Đánh giá:

+ Em thấy bài trình bày của bạn có thuyết phục không? Vì sao?

+ Điều em rút ra từ bài trình bày của bạn là gì?


BÀI NÓI THAM KHẢO

Suy nghĩ của em về ý kiến: “Cần biết lựa chọn sách để đọc”

Xã hội ngày nay đã phát triển và thay đổi rất nhiều, dấu vết thời xưa cũng đã dần phai nhòa. Vậy tại sao chúng ta có thể biết được xã hội, con người cuộc sống ngày xưa như thế nào? Để biết được tất cả những điều đó chúng ta phải cần đến sách. Vậy sách có vai trò gì với nhân loại?

Sách đã đi vào cuộc sống của chúng ta từ rất lâu rồi. Nó đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người. Đọc sách giúp ta tích lũy được nhiều kinh nghiệm, mở mang kiến thức và đặc biệt đọc sách giúp ta cảm thấy thoải mái, yêu đời hơn. Giống như Môngtexkiơ đã nói: “ thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút kì thú”. Đọc sách có thể làm thay đổi cả một con người, một cuộc đời.

Nói tóm lại, đọc sách có rất nhiều lợi ích. Đọc sách để thành công như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, như Thủ tướng Chu Ân Lai. Đọc sách để trở thành những nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Mĩ Ronald Reagan hay thống đốc bang giàu có hàng đầu của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, California. Mỗi lần tìm hiểu về những người thành đạt, sự liên quan giữa sự thành đạt và sách, chúng ta lại càng hiểu thêm mối quan hệ này, càng hiểu thêm giá trị của sách.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt, cần phải có những quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi , và việc cần chú trọng nhiều nhất đó chính là cách đọc sách. Đọc sách phải nghiên cứu, suy ngẫm, tìm tòi, chắt lọc những điều hay để áp dụng vào cuộc sống chứ không phải đọc để lấy thành tích. Đọc sách nhiều mà không hiểu chỉ làm cho chúng ta cảm thấy thêm mệt mỏi, chứ không giúp chúng ta mở mang thêm kiến thức. Vì vậy, cầm trong tay một quyển sách hay chưa phải là tốt, mà tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có biết đọc quyển sách đó hay không.

Hiện nay sách tràn ngập khắp mọi nơi. Nhưng để tìm được một quyển sách hay, phù hợp với hoàn cảnh, lứa tuổi thì không phải là dễ. Nếu muốn tìm được một quyển sách vừa ý, chúng ta phải mất hàng giờ ở nhà sách để tìm kiếm. Công việc này mất rất nhiều thời gian và hầu như chẳng mấy lần mang lại được hiệu quả.


Suy nghĩ của em về thái độ cần có của người lớn đối với ước mơ của trẻ em sau khi đọc văn bản “Trong mắt trẻ” (trích “Hoàng tử bé” – Ê-xu-pe-ri)

Mỗi con người trong cuộc đời này đều có cho mình những ước mơ thật đẹp. Dù cao sang hay giản đơn thì những ước mơ ấy cũng chính là những mục tiêu, là động lực để mỗi người tự phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Ước mơ chính là những kế hoạch, những dự định, hoài bão mà con người mong muốn bản thân mình đạt được. Đó có thể là những ước mơ gần, cũng có thể là những ước mơ xa hơn nhưng tất cả chúng đều hướng con người tới những hành động để đạt được chúng.

Ước mơ có vai trò vô cùng lớn đối với cuộc sống của mỗi người. Nó chính là động lực thúc đẩy con người hành động, vượt qua những khó khăn thử thách, vượt qua những giới hạn của bản thân để từng bước, từng bước một hoàn thành ước mơ đó. Ta có thể ví ước mơ như những ngọn hải đăng chiếu sáng, chỉ đường dẫn lối cho mỗi người đi tới đích. Nó giúp bạn rèn luyện ý chí, bản lĩnh kiên cường, sự kiên trì vượt qua những rào cản để chinh phục ước mơ. Dù là ước mơ lớn lao hay nhỏ bé, thì khi thực hiện được ước mơ của chính bản thân mình, bạn cũng sẽ cảm thấy bản thân mình đã trưởng thành lên rất nhiều. Bạn sẽ tự hào về những gì mình đạt được và có thêm động lực để hướng tới những ước mơ tiếp theo lớn hơn, vinh quang hơn. Ước mơ của bạn, cũng góp phần xây dựng, đóng góp cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn, văn minh hơn.

Vậy nếu cuộc sống con người mà thiếu đi những ước mơ hoài bão thì sẽ ra sao? Cuộc sống của con người lúc đó sẽ chìm vào những đêm dài u tối. Bản thân con người thiếu đi ước mơ cũng sẽ như những con thuyền đi đêm mà thiếu đi ngọn hải đăng dẫn đường. Mất phương hướng, chênh vênh, chao đảo trước những sóng gió của cuộc đời. Bản thân con người rơi vào cảnh sống không mục đích, không lý tưởng, sống hoài, sống phí. Cuộc sống của con người khi ấy sẽ trôi đi vô định. Và so với những người đang không ngừng phấn đấu, theo đuổi những ước mơ ngoài kia, thì chắc chắn những người không có ước mơ sẽ trở thành những kẻ thụt lùi lạc hậu, những kẻ đứng ngoài lề của cuộc sống đang không ngừng biến chuyển.

Trong lịch sử hay ngay ở cuộc sống thực tại, chúng ta đều có thể bắt gặp những tấm gương sáng ngời phấn đấu không ngừng để theo đuổi những ước mơ cao đẹp. Vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh của dân tộc Việt Nam với ước mơ cho dân tộc độc lập, nhân dân ấm no phải chăng là ví dụ điển hình nhất.

Tuy nhiên, để đạt được những ước mơ mà chính bản thân đặt ra không phải điều dễ dàng. Bởi con đường chinh phục ước mơ không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà nó là con đường của sỏi đá, chông gai. Và việc mà mỗi người cần phấn đấu chính là nỗ lực không ngừng, phấn đấu không ngừng để đạt được ước mơ ấy. Có thể trên đoạn đường khó khăn ấy bạn có vấp ngã, có nhụt chí thì đừng bỏ cuộc mà hãy nhớ đến lí do mà bạn bắt đầu để tiếp tục đứng dậy mà bước tiếp. Vinh quang sau cùng mà bạn nhận được sẽ càng rực rỡ, càng đáng tự hào hơn. Có ai đó đã từng nói rằng: “Nếu bầu trời tượng trưng cho những ước mơ, những kế hoạch lớn và những cái nhìn bao quát nhưng toàn diện về bản thân, thì phải chăng những nỗi lo thường nhật đã kéo tầm mắt của ta xuống dưới mặt đất, để chìm trong một dòng người hối hả, để đối phó với những chướng ngại vật ngay trước mắt và rồi ta chẳng còn lúc nào để phóng tầm mắt lên thật xa trên bầu trời, để thấy những ước mơ của ta lớn đến chừng nào…”.

Ước mơ là điều đáng có và đáng trân trọng. Tuy nhiên, mỗi người cần xác định cho mình những ước mơ đúng đắn để không ngừng theo đuổi nó, để ước mơ của mình giúp mình hoàn thiện hơn bản thân, giúp ích cho xã hội. Đừng biến những ước mơ của mình trở thành những ảo vọng, những tham vọng mù quáng để rồi tự nhấn chìm mình trong những ảo mộng đó mãi không thoát ra. Đó không phải là những ước mơ chân chính.

Cuộc đời mỗi người với những ước mơ là những câu chuyện khác nhau tô điểm thêm màu sắc tươi đẹp cho cuộc sống. Hãy tự vẽ lên những ước mơ của mình bằng những màu sắc thật đẹp, thật tươi mới từ sự kiên trì, cố gắng và niềm tin vào tương lai tươi đẹp.


Bài trước:

👉 Soạn bài Phân tích một tác phẩm truyện sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Cố hương sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội sgk Ngữ Văn 8 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 8 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com