Soạn bài Trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Hướng dẫn soạn Bài 8. Khác biệt và gần gũi. Nội dung bài Soạn bài Trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 6, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận và nhật dụng.


Nói và nghe

Trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống

Trong sinh hoạt, học tập hằng ngày, có nhiều hiện tượng (vấn đề) này sinh, chẳng hạn: quan hệ bạn bè, cách chọn sách để đọc, yêu cầu bảo vệ môi trường… Những hiện tượng (vẫn đề) đó tác động đến đời sống của em, đòi hỏi em phải tìm hiểu và phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, trước một hiện tượng (vấn đề), các ý kiến được nêu ra có thể rất khác nhau. Vì thế, trao đổi, thảo luận là điều cần thiết. Khi trao đồi, thảo luận, mỗi người cần biết cách trình bày ý kiến của mình và phản hồi về ý kiến của người khác.

1. TRƯỚC KHI NÓI

a. Chuẩn bị nội dung nói

– Tóm lược nội dung bài viết thành dạng đề cương.

– Chú ý sự khác nhau về cách mở đầu, cách triển khai, cách kết thúc giữa bài viết và bài nói để trình bày các nội dung bằng ngôn ngữ nói phù hợp.

– Đánh dấu những chỗ cần nhấn mạnh, ghi chú thêm các số liệu, các bằng chứng,…

b. Tập luyện

Đối với bài nói trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống, hình thức tập luyện tốt nhất là theo nhóm. Các thành viên luân phiên nói, nghe và góp ý cho nhau để rút kinh nghiệm.


2. TRÌNH BÀY BÀI NÓI

a. Mở đầu

Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bàn một cách gọn, rõ. Thu hút sự chú ý của người nghe bằng cách dùng câu chuyện để giới thiệu hiện tượng (vấn đề).

b. Triển khai

– Lần lượt trình bày các ý theo nội dung đã chuẩn bị. Khi nói, cần sử dụng lí lẽ và bằng chứng.

– Nhấn mạnh ý kiến riêng của bản thân.

c. Kết luận

– Tóm lược nội dung đã trình bày.

– Gợi suy nghĩ và kích thích sự đối thoại của người nghe.

Chú ý:

– Điều chỉnh giọng nói và tốc độ nói phù hợp (không nói to hay nhỏ quá; không nói nhanh hay chậm quá; lên giọng, xuống giọng ở những chỗ cần thiết).

– Giọng nói truyền cảm: cách nói nghiêm túc nhưng vui vẻ.

– Ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ phù hợp, thể hiện sự tương tác với người nghe.


3. SAU KHI NÓI

Trao đổi về bài nói theo một số gợi ý sau:

Người nghe Người nói
• Trao đổi lại với người nói về hiện tượng (vấn đề) đời sống được bàn luận, về cách trình bày bài nói.
• Thảo luận bằng cách nêu thắc mắc, yêu cầu người nói giải đáp thêm. Nhận xét về lí lẽ và bằng chứng mà người nói sử dụng.
• Lắng nghe ý kiến phản hồi của người nghe.
• Giải thích thêm những chỗ người nghe thắc mắc.
• Bảo vệ ý kiến của mình nếu nhận thấy ý kiến đó đúng.

Bài nói tham khảo

Bạo lực học đường

Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, thiếu đạo đức với bạn mình. Đó là cách cư xử thiếu văn minh, không có giáo dục của thế hệ học sinh. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị.

Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường.

Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp với các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?

Bạo lực học đường là hiện tượng không tốt đối và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường rất thiết thực và cần thiết. Hãy cùng chung tay để nói không với bạo lực học đường. Xây dựng một môi trường giáo dục văn minh và nhà trường sẽ là nơi để học, để phát triển nhân cách, kỹ năng trong mỗi cá nhân.


Có nên nuôi thú cưng

Xin chào thầy cô và các bạn! Trong vài thập kỉ qua, đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề: Có nên nuôi thú cưng?. Trước khi vào vấn đề, cho mình hỏi có bao nhiêu người ở đây nuôi thú cưng ạ? Xin mời các bạn giơ tay…. À có vẻ số lượng người nuôi thú cưng khá nhiều/ khá ít. Bạn có ý kiến gì về điều này không? (Đưa mic cho 1 bạn)…. Cảm ơn sự chia sẻ của bạn.

Trong quan điểm của tôi, nên có vật nuôi trong nhà. Dưới đây là một số lí do chứng minh cho việc tại sao chúng ta cần có ít nhất một bé thú cưng trong nhà.

Thứ nhất, thú cưng giúp chúng ta cân bằng cảm xúc. Khoa học đã chứng minh các loài vật nuôi (đặc biệt là chó) thường khá nhạy cảm với cảm xúc. Vì vậy rất dễ dàng để chúng có thể phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực như buồn, giận,… của con người. Những lúc ấy, thú cưng sẽ thay thế một người bạn tri âm, tri kỉ. Có những vấn đề mà con người khó có thể nói cho một người nào đó vì nhiều lí do cá nhân. Có một con vật lắng nghe, không phán xét những suy nghĩ, hành động của bạn là một cách để bạn giải tỏa căng thẳng và những nỗi buồn. Những cử chỉ âu yếm, vuốt ve của thú cưng có thể mang lại cảm giác an ủi, an toàn cho những rối loạn, bối rối trong lòng con người. Tôi có nuôi một con mèo, bất kể khi nào tôi buồn, bằng một cách thần kì nào đó, nó đều biết và ngay lập tức cuộn người trong vòng tay tôi. Đôi khi chúng ta không cần những lời khuyên cho vấn đề của mình, chúng ta chỉ cần người có thể lắng nghe để trút hết bầu tâm sự. Đôi khi sự im lặng và quấn quýt của một chú mèo là liều thuốc tốt nhất cho những rối loạn sâu thẳm bên trong con người.

Tiếp theo, việc nuôi thú cưng giúp con người có trách nhiệm hơn. Chăm sóc, nuôi dạy thú cưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và khoảng thời gian nhất định. Để vật nuôi có thể phát triển một cách toàn diện, chúng ta cần dành nhiều thời gian cho những hoạt động: cho ăn, tắm rửa, vui chơi, dạy dỗ,… chúng. Bởi vì đang nắm trong tay sinh mạng của một loài động vật nên con người có xu hướng có trách nhiệm hơn trong mọi việc. Bạn không thể để một con vật chết đói, chết rét,… vì những hành động vô tâm của bản thân mình được. Hơn nữa, con người sẽ trở nên kiên nhẫn hơn khi dạy dỗ một loài vật sinh hoạt có trật tự. Trước khi vật nuôi hiểu được những điều chúng được dạy, chúng sẽ mất thời gian làm quen và thời gian này sẽ trở nên rất khó khăn với chủ. Chúng phải sai nhiều lần thì mới có thể nhận thức được đâu là hành động đúng để duy trì. Vì vậy, nếu chủ nhân của chúng không kiên nhẫn thì việc huấn luyện sẽ thất bại.

Cuối cùng, sức khỏe con bạn sẽ được cải thiện nếu bạn nuôi dạy một loài vật nuôi đúng cách. Ví dụ như khi bạn nuôi một chú chó hay một chú ngựa (những động vật lớn, cần được vận động), bạn sẽ phải vận động nhiều hơn. Hàng ngày, một số thú cưng nhất định cần có thời gian được vận động, đi dạo, chạy nhảy. Để có thể quản lí và bảo vệ chúng, người chủ thường sẽ phải vận động theo nhịp độ của thú cưng. Hơn nữa, các bạn sẽ thức giấc và ăn ngủ điều độ hơn vì các bạn cần giữ cho thú cưng lối sinh hoạt cân bằng. Có thể nghe khó tin nhưng có bài báo khoa học còn đề cập đến việc chó có khả năng phát hiện ung thư ở người. Một đứa trẻ khi được sinh ra và lớn lên cùng động vật cũng sẽ ít có nguy cơ mắc hen suyễn và các bệnh khác hơn những đứa trẻ không tiếp xúc với động vật.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh một điều: Chúng ta chỉ nên nuôi thú cưng sau khi đã suy nghĩ một cách nghiêm túc và kĩ càng. Nếu bản thân thấy không có đủ thời gian, không gian, tài chính, trách nhiệm,… thì không nên nuôi chúng bởi vì chúng sinh ra không phải để chịu đựng. Đừng để đến lúc những chú cún cưng, mèo cưng,… của bạn chết vì sự vô tâm của mình thì mới nhận ra rằng mình không hợp nuôi vật cưng. Hơn nữa, các bạn cần phải cân nhắc đến sức khỏe của bản thân khi nuôi chúng như việc bạn không thể nuôi mèo khi bạn bị hen suyễn; bạn không thể nuôi những con vật to nếu như bạn không thể kiểm soát được chúng,…vì nó sẽ ảnh hưởng đến cá nhân bạn cũng như những người xung quanh.

Để chốt lại vấn đề, tôi xin khẳng định lại một lần nữa quan điểm của mình: Nuôi một con thú nuôi là một điều tốt đẹp mà bạn có thể trải nghiệm trong cuộc đời. Tuy nhiên đừng biến chúng thành gánh nặng cho chính bản thân mình. Hãy cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định nuôi một con vật nào đó. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự chia sẻ và đóng góp của mọi người.


Bài trước:

👉 Soạn bài Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 71 sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) đời sống sgk Ngữ Văn 6 tập 2 Kết Nối Tri Thức đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 6 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com