Soạn bài Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Hướng dẫn soạn BÀI 2: BÀI HỌC CUỘC SỐNG. Nội dung bài Soạn bài Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


VIẾT

VIẾT BÀI VĂN KỂ LẠI SỰ VIỆC CÓ THẬT LIÊN QUAN ĐẾN NHÂN VẬT HOẶC SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Câu 1 trang 47 Ngữ Văn 7 tập 1 CTST

Đoạn mở bài đã nêu được sự việc gì liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử được thuật lại?

Trả lời:

Đoạn mở bài đã nêu được sự việc liên quan đến nhân vật/ sự kiện lịch sử được thuật lại đó:

– Giới thiệu sự việc: Lễ hội tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

– Không gian diễn ra sự việc: Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

– Thời gian diễn ra sự việc: Hàng năm, từ ngày 26 đến 28 tháng 8 âm lịch.


Câu 2 trang 47 Ngữ Văn 7 tập 1 CTST

Phần thân bài, người viết đã thuật lại sự việc, sự kiện gì?

Trả lời:

Phần thân bài, người viết đã thuật lại sự việc, sự kiện sau:

– Kể và miêu tả lại quang cảnh nơi thờ phụng Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

– Kể về cuộc đời và những chiến công lẫy lừng của Nguyễn Trung Trực. (Phần lễ)

– Kể về các hoạt động gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, thiện nguyện để tưởng nhớ công lao của Nguyễn Trung Trực . (Phần hội)


Câu 3 trang 47 Ngữ Văn 7 tập 1 CTST

Người viết có kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả khi thuật lại sự kiện không?

Trả lời:

Người viết có kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả khi thuật lại sự kiện.


Câu 4 trang 47 Ngữ Văn 7 tập 1 CTST

Nội dung đoạn kết bài là gì ?

Trả lời:

Đoạn kết nêu cảm nhận của tác giả và khẳng định lại công lao to lớn của Anh hùng Nguyễn Trung Trực và tầm quan trọng của lễ hội tưởng nhớ ông.


Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài trang 47 Ngữ Văn 7 tập 1 CTST

Viết bài văn kể lại một sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em có dịp tìm hiểu.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài:

Trước tiên, em cần trả lời câu hỏi: Yêu cầu của đề bài là gì?

Mục đích viết bài này là gì? → Mục đích viết bài là kể lại một sự kiện có liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử em biết.

Người đọc bài viết này có thể là ai? → Người đọc bài viết này có thể là tất cả mọi người, các bạn học sinh…

⇒ Với mục đích và người đọc đó, nội dung và cách viết sẽ mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu, chân thực.

Thu thập tư liệu

Em cần thu thập tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau từ tài liệu thực tế: hình ảnh, lời kể…. đến các tài liệu lưu trữ.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

– Mở bài:

+ Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử mà văn bản sẽ thuật lại.

+ Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.

– Thân bài:

Gợi lại bối cảnh, câu chuyện, dấu tích liên quan đến nhân vật, sự kiện.

+ Câu chuyện, huyền thoại liên quan đến nhân vật, sự kiện.

+ Dấu tích liên quan.

Thuật lại nội dung/ diễn biến của sự việc có thật liên quan đến nhân vật, sự kiện lịch sử.

+ Bắt đầu – diễn biến – kết thúc.

+ Sử dụng được một số bằng chứng (tư liệu, trích dẫn,…); kết hợp kể chuyện với miêu tả.

Ý nghĩa, tác động của sự việc đối với đời sống hoặc đối với nhận thức về nhân vật/ sự kiện lịch sử.

– Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.

Bước 3: Viết bài

Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm

Xem lại và chỉnh sửa

– Học sinh tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết dựa vào gợi ý.

Rút kinh nghiệm

– Viết bài giúp em có thêm kinh nghiệm khi viết về sự việc có thật liên quan đến sự kiện lịch sử: việc thu thập tài liệu, viết bài kể chuyện…

– Nếu được thực hiện lại bài viết, em sẽ kể chi tiết và có thêm những dẫn chứng cho bài viết được tốt hơn.


BÀI VIẾT THAM KHẢO

Kể lại một sự việc có thật liên quan đến Vua Lý Thái Tổ (Lý Công uẩn)

Lý Công Uẩn người làng cổ Pháp thuộc Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Hiện nay ở làng Đình Bảng vẫn còn có lăng và đền thờ các vua nhà Lý.

Tục truyền rằng Công uẩn không có cha; mẹ là Phạm Thị đi chơi chùa Tiên Sơn (làng Tiên Sơn, phủ Từ Sơn) , đêm về nằm mộng thấy “đi lại” với thần nhân, rồi có thai đẻ ra đứa con trai. Lên ba tuổi, đứa bé càng khôi ngô tuấn tú; gia đình đem cho nhà sư ở chùa cổ Pháp tên là Lý Khánh Văn làm con nuôi. Lý Công uẩn được học hành chữ Nho, kinh Phật và võ nghệ từ nhỏ, lớn lên dưới mái chùa, trở thành một tài trai văn võ siêu quần.

Ngoài 20 tuổi, Lý Công uẩn đã làm võ tướng dưới triều vua Lê Đại Hành, từng lập công to trong trận Chi Lăng (981) đại phá quân Tống xâm lược, chém đầu tướng giặc Hầu Nhân Bảo. Về sau, ông giữ chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay toàn bộ binh quyền. Đức trọng tài cao, ông được quần thần và tướng sĩ rất kính phục. Năm 1005, Lê Đại Hành băng hà. Ngôi vua được truyền cho Lê Long Việt. Chỉ 3 ngày sau, Lê Long Đĩnh giết anh, giành lấy ngai vàng. Lê Long Đĩnh là một tên vua vô cùng bạo ngược khác nào Kiệt, Trụ ngày xưa. Hắn hoang dâm vô độ, nên mắc bệnh không ngồi được; đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Vua Ngọa Triều. Cuối năm 1009, Lê Ngọa Triều chết. Năm đó, Lý Công uẩn đã 35 tuổi. Bấy giờ lòng người đã oán giận nhà Tiền Lê lắm rồi; quân thần và tầng lớp tăng lữ suy tôn ông lên ngôi báu, mở đầu triều đại nhà Lý (1010- 1225).

Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế vào đầu xuân 1010, tức là vua Lý Thái Tổ nhà Lý. Nhà vua trị vì được 19 năm, thọ 55 tuổi, băng hà năm 1028.


Kể lại một sự việc có thật liên quan đến Anh Kim Đồng

Đất nước có được nền hòa bình ngày hôm nay, không biết bao cha anh đã ngã xuống, không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một tấm gương sáng trong số những người anh hùng như vậy.

Anh Kim Đồng là người dân tộc Tày. Cha mất sớm, anh sống cùng mẹ – một người phụ nữ đảm đang nhưng ốm yếu. Sống trong cảnh đất nước bị xâm lược nên từ nhỏ, Kim Đồng đã dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh rất hăng hái làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Anh được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Anh không ngại khó khăn, thử thách, nguy hiểm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị giặc Pháp bắn và hi sinh. Khi ấy, anh mới chỉ 14 tuổi. Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát được sáng tác để ghi nhớ công ơn của anh.

Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ luôn sáng mãi, là tấm gương cho thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ, lòng dũng cảm, trung kiên với Tổ quốc.


Kể lại một sự việc có thật liên quan đến Lễ hội đền Hùng

Có một câu nói mà con người của muôn thời đại đều cần phải khắc ghi, đó là nếu đánh mất và bỏ mặc quá khứ, bạn không bao giờ có hiện tại và tương lai. Hay một cách ngắn gọn, nó đằm mình trong câu tục ngữ truyền thống bao đời của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì thế, hàng năm, vẫn có những lễ hội truyền thống để nhắc nhở con cháu đời đời về nguồn cội vĩnh hằng của cha ông, lễ hội đền hùng chính là mang ý nghĩa thiêng liêng ấy.

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc. Tôi cũng đã có dịp may mắn một lần được hành hương về đất Tổ, phong cảnh, những câu chuyện lịch sử về các vị vua Hùng – những người đã dựng xây đất nước đã in sâu trong tâm trí tôi.

Lễ hội đền Hùng là dịp những đứa con ở khắp nơi trên tổ quốc cùng trở về Phú Thọ quê tổ để cùng thể hiện lòng thờ kính thiêng liêng dành cho nguồn cội lịch sử của dân tộc ta, để tri ân các vị vua Hùng đã có công dựng nước để con cháu sau này đời đời được sống trên mảnh đất giàu truyền thống và mang những nét đẹp tâm hồn riêng. Hàng năm, cứ vào dịp này, những người con đất Việt từ khắp nơi trên tổ quốc, thậm chí cả kiều bào ta sinh sống công tác ở nước ngoài cũng luôn lắng lòng để tưởng nhớ về lễ hội truyền thống của dân tộc. Chính vì mang trong nó không chỉ tính nghi lễ mà còn bao chứa cả lớp trầm tích văn hóa lịch sử ngàn đời cùng đạo lí dân tộc sâu sắc, mà ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương được xem là ngày quốc lễ của dân tộc ta.

Giỗ Tổ bao gồm có 2 phần riêng biệt đó là phần lễ và phần hội. Lễ Rước Kiệu với các đền, chùa trên núi, các vị lãnh đạo của đất nước dâng hương lên vua Hùng tổ chức tại đền Thượng. Các nghi thức tổ chức, dâng hương sẽ được tổ chức long trọng, thành kính và sẽ được báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin. Đồng bào trong cả nước được dâng lễ trong các đền, chùa, với sự thành kính và cầu mong yên bình, làm ăn thành công.

Bên cạnh đó phải nhắc đến lễ Dâng Hương các đền, chùa trên núi. Lễ hội còn giúp người dân tham gia sinh hoạt văn hoá cổ xưa. Người dân sẽ được xem các trò chơi như đấu vật, chọi gà, rước kiệu, đánh cờ người…. Còn có sân khấu riêng của các đoàn nghệ thuật: chèo, kịch nói, hát quan họ,… Các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều nơi về đây để trình diễn những làn điệu hát xoan mượt mà, đặc sắc mang đến cho cho lễ hội đền Hùng đặc trưng riêng của Đất Tổ.

Những người đến đây không chỉ là xem lễ hội mà còn thể hiện sự tâm linh, thành kính với quê hương đất Tổ, ai cũng biết đây là nơi gốc gác linh thiêng, cội nguồn của dân tộc. Hàng năm, cứ đến mùng 10 tháng 3, người dân và du khách tham gia trẩy hội đền Hùng, đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Lễ hội rất linh thiêng và thể hiện sự biết ơn công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.


Kể lại một sự việc có thật liên quan đến Lễ hội Xuân Yên Tử

Nhân dịp Tết năm Nhâm Dần, tôi đã có dịp ghé thăm Hội xuân Yên Tử ở thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) để dự lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an Xuân Yên Tử 2022. Đây là một trong những lễ hội truyền thống mùa xuân lớn và kéo dài nhất cả nước. Lễ hội Xuân Yên Tử được diễn ra hằng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 Tết âm lịch kéo dài đến khoảng 3 tháng. Vào dịp này, hàng nghìn người dân ở khắp mọi nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và người dân tham gia lễ hành hương lên Yên Tử.

Tôi được biết, Yên Tử là do Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến tu hành và sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Ông là một vị vua hiền minh, đức độ và vô cùng thương yêu dân chúng.

Đến với buổi lễ dâng hương xuân Yên Tử lòng tôi có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Nơi dâng hương bắt đầu từ vườn tháp Huệ Quang lên đến chùa Hoa Yên. Vườn tháp Huệ Quang với 64 gọn thóp và mộ với bề dày lịch sử. Sân tháp được bao quanh với những bức tường cao rộng. Vị trí trung tâm của tháp đặt tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng chất liệu cẩm thạch, trong tư thế một nhà sư ngồi thiền định, mình khoác áo cà sa hở ngực phải, các nếp áo chảy tràn ra mặt bệ tượng. Hình ảnh ấy vô cùng trang nghiêm mà cổ kính. Trong không khí trang nghiêm ấy, các vị sư thầy cùng rước lễ lên đến chùa Hoa Yên. Nơi có các nền kiến trúc mang một màu sắc rêu phong, cổ kính. Người dân bao quanh buổi lễ, các sư thầy và lãnh đạo tỉnh bắt đầu chủ trì buổi lễ.

Trong không khí trang nghiêm ấy, bài diễn văn cầu bình an được diễn ra. Mọi người ai nấy cũng cầm một nén hương để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Mong năm nay sẽ là một năm an khang, nhiều may mắn, quốc thái dân an.

Sau khi dâng hương xong, mọi người bắt đầu tản ra người đi đi ngắm cảnh xung quanh, người thì kéo nhau bắt đầu hành hương Yên Tử. Họ nô nức kéo nhau đi lên đỉnh chùa Đồng nơi có bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vô cùng Vĩ đại.

Quả thật, công lao của Trần Nhân Tông đến nay vẫn còn lưu giữ nghìn đời. Chính vì vậy, lễ hội Xuân Yên Tử cũng là một trong những lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông. Lễ hội Xuân Yên Tử từ lâu đã trở thành một truyền thống không thể thiếu của người dân Quảng Ninh nói riêng và người dân cả nước nói chung. Lễ hội này luôn thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia.


Bài trước:

👉 Soạn bài Chân, tay, tai, mắt, miệng sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Kể lại một truyện ngụ ngôn sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật hoặc sự kiện lịch sử sgk Ngữ Văn 7 tập 1 Chân Trời Sáng Tạo đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com