Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Hướng dẫn soạn Bài 8. Nghị luận xã hội. Nội dung bài Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều giúp các em học sinh học tốt môn ngữ văn 7, rèn luyện kĩ năng viết các kiểu văn bản: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận văn học và nghị luận xã hội.


THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Câu 1 trang 42 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Hãy làm rõ tính mạch lạc của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) bằng cách chứng minh các phần, các đoạn, các câu của văn bản này đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự rất hợp lí.

Trả lời:

Các phần, các đoạn, các câu được sắp xếp theo một trình tự hợp lý, xoay quanh vấn đề đang nghị luận. Cụ thể:

– Mở bài (Từ “Dân ta…” đến “kẻ cướp nước”): Nêu vấn đề nghị luận.

– Thân bài (Từ “Lịch sử…. đến “lòng nồng nàn yêu nước”): Chứng minh tinh thần yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và trong cuộc kháng chiến hiện tại.

– Kết bài (Từ “Tinh thần…” đến hết): Nhiệm vụ của Đảng là phải làm cho tinh thần yêu nước của dân được phát huy mạnh mẽ trong mọi công việc kháng chiến.

Hoặc:

– Phần 1: Khái quát về đức tính giản dị của Hồ Chí Minh

– Phần 2: Sự giản dị trong lối sống của Bác.

– Phần 3: Nội tâm phong phú của Bác.

– Phần 4: Sự giản dị trong lời nói và bài viết của Bác.


Câu 2 trang 42 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Phân tích tính liên kết của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh):

a) Các câu trong đoạn văn thứ nhất (từ đầu đến “lũ cướp nước”) và đoạn văn thứ hai (từ “Lịch sử ta” đến “dân tộc anh hùng”) được liên kết với nhau bằng những từ ngữ nào? Hãy chỉ ra những từ ngữ đó.

b) Xác định những câu có tác dụng liên kết đoạn văn chứa chúng với đoạn văn đứng trước trong văn bản trên.

Trả lời:

a) Phép liên kết các câu trong đoạn văn thứ nhất và đoạn văn thứ hai của văn bản:

– Phép thế:

lòng nồng nàn yêu nước được thay thế bằng từ Đó, tinh thần ấy, nó.

các vị anh hùng dân tộc được thay thế bằng các vị ấy.

+ Những cử chỉ cao quý đó thay thế cho những việc làm đã liệt kê phía trước.

– Phép lặp:

+ tinh thần ấy – tinh thần yêu nước.

+ chúng ta

– Phép nối: Từđến

– Phép liên tưởng: đồng bào, cụ già tóc bạc, các cháu nhi đồng, kiều bào, nhân dân miền ngược miền xuôi,…

b) Câu có tác dụng liên kết đoạn văn chứa chúng với đoạn văn đứng trước trong văn bản trên là “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”.


Câu 3 trang 43 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Tìm vị ngữ là cụm động từ trong những câu dưới đây (ở văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ). Xác định động từ trung tâm và thành tố phụ là cụm chủ vị trong mỗi cụm động từ đó.

a) Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

b) Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật.

Trả lời:

a) Vị ngữ là cụm động từ: càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

– Động từ trung tâm: thấy

– Thành tố phụ là cụm chủ vị: Bác/ quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

b) Vị ngữ là cụm động từ: chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật.

– Động từ trung tâm: hiểu

– Thành tố phụ là cụm chủ vị: Bác/ sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật.


Câu 4 trang 43 Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu cảm nghĩ của em về một văn bản nghị luận đã học. Chỉ ra tính mạch lạc và các biện pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn đó.

Trả lời:

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một văn bản đặc sắc cho thấy tài năng nghị luận của Bác đồng thời khẳng định truyền thống yêu nước từ bao đời nay của nhân dân ta. Cũng như bao truyền thống khác, tinh thần yêu nước là một nét đặc sắc trong văn hóa lâu đời của nước ta, nó được thể hiện từ xưa đến nay và đi sâu vào từng hành động, ý nghĩ của mỗi con người. Lòng yêu nước là yêu tất cả những gì tốt đẹp, yêu thiên nhiên muôn hình vạn trạng, yêu bầu trời trong xanh, yêu đàn chim bay lượn, yêu cả những dòng sông thân thương hay gần gũi nữa là yêu những chiếc lá mỏng manh. Nói cho cùng thì tinh thần yêu nước nó xuất phát từ ý chí, sự quyết tâm phấn đấu, xây dựng Tổ quốc, tình yêu thương và cả niềm hi vọng. Tinh thần yêu nước bao gồm cả nhiều tình yêu khác: tình yêu gia đình, quê hương, tình yêu con người. Nó được bộc lộ ở mọi lúc mọi nơi, mọi cá nhân, bất cứ nơi nào có người dân Việt Nam sống thì đó sẽ mãi là mầm mống, là chồi non của tinh thần yêu nước Việt Nam. Và đó cũng sẽ không phải là lí tưởng của mình dân tộc Việt Nam mà còn rất nhiều nước khác, lí tưởng ấy luôn đi đầu. Bằng hệ thống luận điểm thuyết phục đi kèm lí lẽ dẫn chứng xác đáng, Bác Hồ đã làm nổi bật được truyền thống quý báu bao đời của dân tộc Việt Nam ta – truyền thống yêu nước thương nòi.

⇒ Tính mạch lạc và các biện pháp liên kết trong đoạn văn:

Đoạn văn nêu lên cảm nghĩ về văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Câu mở đoạn khẳng định giá trị về nghệ thuật và nội dung của văn bản. Những câu sau bàn về lòng yêu nước để cuối cùng khẳng định lại tài năng lập luận của Bác và giá trị mà văn bản mang lại.

– Phép lặp: tinh thần yêu nước

– Phép thế: tinh thần yêu nước – nó – đó; truyền thống yêu nước thương nòi – truyền thống quý báu bao đời của dân tộc Việt Nam ta.

– Phép nối: Cũng như bao truyền thống khác…; Nói cho cùng thì…; Và đó…

Hoặc:

Văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đã để lại ấn tượng sâu sắc trong em bởi lối diễn đạt rõ ràng cùng với hệ thống lí lẽ sắc xảo, thuyết phục. Tài hoa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ qua hệ thống các lí lẽ, dẫn chứng được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Bằng chứng thì gần gũi, cụ thể, thể hiện rõ nội dung muốn truyền tải. Ở phần kết thúc, tác giả còn gợi ý cách để thể hiện lòng yêu nước để người đọc, người nghe có thể thực hiện được. Nhờ vậy, văn bản ấy giúp em hiểu sâu hơn về tinh thần yêu nước và biết mình cần phải làm gì để thể hiện lòng yêu nước của mình.

Hoặc:

Bác Hồ – hai tiếng gọi thân thương biết mấy! Người là vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già kính yêu của dân tộc. Trong cuộc sống cũng như công việc, Người luôn là một hình mẫu về sự giản dị, khiêm tốn. Đó là một đức tính, một phẩm chất đáng quý được Phạm Văn Đồng thể hiện rõ nét trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ. Theo ông, đức tính ấy được thể hiện trong mọi mặt của Bác như bữa cơm hàng ngày chỉ có vài ba món đơn giản, nơi ở của Bác là nhà sàn đơn sơ mộc mạc với vài phòng; trong lời nói bài viết của Người cũng hết sức giản dị “Nước VN là một, dân tộc VN là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lí ấy không hề thay đổi”. Sự giản dị, thanh bạch trong đời sống của Người là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ học tập và noi theo. Là học sinh em sẽ cố gắng rèn luyện theo những phẩm chất quý báu ấy để sau này trở thành con người có ích trong gia đình và xã hội.

– Tính mạch lạc: các câu trong đoạn đều tập trung làm sáng tỏ chủ đề: Sự giản dị của Bác trong cuộc sống và công việc.

– Biện pháp liên kết: phép lặp (Việt Nam, đức tính), phép thế (Bác Hồ – Người, cha già, Bác; Phạm Văn Đồng – ông; đức tính giản dị – đức tính ấy…)


Bài trước:

👉 Soạn bài Đức tính giản dị của Bác Hồ sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Bài tiếp theo:

👉 Soạn bài Tượng đài vĩ đại nhất sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều

Trên đây là bài Hướng dẫn Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 sgk Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh Diều đầy đủ, ngắn gọn và dễ hiểu nhất. Chúc các bạn làm bài môn ngữ văn 7 tốt nhất!


“Bài tập nào khó đã có giaibaisgk.com